Năm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI, với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam – VBCSD, tổ chức Chương trình CSI 2023 với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và dự kiến có thêm sự tham gia của Ban Kinh tế trung ương trong Ban chỉ đạo Chương trình. Lễ phát động CSI 2023 đã thu hút sự tham gia đông đảo của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 200 đại biểu theo dõi trực tuyến từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, quốc tế và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động, Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ hiện nay cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và trong bối cảnh này, doanh nghiệp một lần nữa đặt ra câu hỏi “phát triển bền vững (PTBV) để làm gì nếu chúng tôi không vượt qua được khó khăn ngay lúc này?”. Trả lời cho câu hỏi này, theo ông Vinh, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về PTBV. Khi nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư tập trung vào tính bền vững hiện nay, doanh nghiệp sẽ thấy PTBV không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp. Cùng với tư duy đó, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn. “Từ góc độ đó, Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở phạm vi tìm kiếm, biểu dương các doanh nghiệp PTBV xuất sắc tại Việt Nam, mà thông qua đó, VCCI, VBCSD muốn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của PTBV doanh nghiệp trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững nói chung, và thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng.”, Ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD
Tại Lễ phát động, đại diện Ban tổ chức Chương trình đã giới thiệu chi tiết về Chương trình cũng như những điểm mới của Bộ chỉ số CSI 2023. Năm nay, Bộ chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ PTBV của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Phiên bản Bộ chỉ số CSI 2023 được hội đồng chuyên gia đánh giá là sự cải tổ toàn diện về mặt cấu trúc, rõ ràng, dễ tiếp cận, lượng hóa được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp. CSI 2023 được chia làm 07 phần, thay vì 03 phần tại phiên bản cũ, và bao gồm 130 chỉ số với 63% là các chỉ số tuân thủ, 37% là các chỉ số nâng cao. Mỗi chỉ số được sử dụng để khai báo 01 nội dung cụ thể, giúp doanh nghiệp liệt kê và cung cấp thông tin dễ dàng hơn. Với đa số là các chỉ số tuân thủ, điều này cũng thể hiện việc thực hiện PTBV không khó và xa vời cho doanh nghiệp, mà ngược lại, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc cho PTBV.
Cụ thể hơn, Bộ Chỉ số CSI 2023 có tích hợp các chỉ số định lượng phục vụ mục đích đánh giá quá trình thực hiện PTBV của doanh nghiệp qua giai đoạn 03 năm từ 2020 đến 2022 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Bộ Chỉ số cũng tích hợp sâu Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, nhấn mạnh vào 03 yếu tố: kiểm đếm phát thải cacbon, hoạt động thích ứng & giảm thiểu biến đổi khí hậu, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại đây, các chi tiết liên quan đến vấn đề kiểm kê và cắt giảm phát thải trong phạm vi từng hoạt động sản xuất cũng được đưa vào Bộ Chỉ số, nhằm đánh giá chính xác đóng góp của doanh nghiệp vào mục tiêu chung giảm nhẹ phát thải cacbon đến năm 2030 và lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Ngoài ra, CSI 2023 tiếp tục tập trung vào các chỉ số Lao động-Xã hội trọng điểm được quan tâm như các cam kết về đa dạng, bình đẳng trong doanh nghiệp như bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, tôn trọng quyền trẻ em, quyền con người, chế độ làm việc linh hoạt, v.v. Các chỉ số này được lồng ghép nhuần nhuyễn & có chiều sâu nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của các FTA thế hệ mới. Ban tổ chức cũng cho biết yếu tố mới và tiên tiến nhất được tích hợp vào Bộ Chỉ số CSI 2023 cần kể đến việc yêu cầu doanh nghiệp giải trình, báo cáo về ESG. Đây là điểm hỗ trợ đặc biệt, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp họ lập được các báo cáo PTBV tích hợp ESG theo các yêu cầu của luật pháp trong nước và quy định trên thế giới. Bên cạnh đó, điều này hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ công bố báo cáo nhằm thu hút đầu tư tốt hơn.
Năm 2023, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực thông qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Ngoài việc đánh giá và công bố 100 doanh nghiệp bền vững, Chương trình CSI 2023 cũng xây dựng những hạng mục giải để biểu dương những doanh nghiệp có thành tích tốt trong Thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và Nâng cao quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2023, Ban tổ chức Chương trình sẽ thực hiện công khai thang điểm đánh giá theo từng phần, từng lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tự đánh giá cũng như soi chiếu với sự đánh giá từ Hội đồng đánh giá của Chương trình.
Trong bài trình bày về “Xây dựng thực hiện văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập trong Chương trình CSI 2023”, Bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất - SASCO, Phó chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Phó Chủ tịch VBCSD chia sẻ: "VBCWE hân hạnh tiếp tục được đồng hành, đóng góp và tư vấn để xây dựng bộ chỉ số đánh giá cho các doanh nghiệp tiên phong trong Chương trình CSI 2023. Năm nay, ngoài các tiêu chí hiện có, chúng tôi đã kiến nghị để BTC bổ sung thêm một số tiêu chí mới liên quan đến việc bảo đảm cũng như thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và các khóa đào tạo về bình đẳng giới cho người lao động. Sự nỗ lực của VBCSD và VBCWE trong việc thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các tiêu chuẩn toàn cầu về lao động là bước tiến quan trọng, nhằm góp phần thu hút, giữ chân nhân tài và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.”
Cũng trong khuôn khổ chương trình, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã tham gia và chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững và kinh nghiệm áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp bền vững tại công ty. Ông Giang cho biết “Bên cạnh việc duy trì tốt hoạt động SXKD, đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế, PVPower còn không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng quản trị DN theo các chuẩn mực quốc tế, công khai minh bạch trong điều hành và công bố thông tin.” Ông Giang cũng nhận định Chương trình CSI là một chương trình uy tín, được Chính phủ và các Bộ, Ban ngành quan tâm và chia sẻ trong 03 năm liên tiếp, PV Power đều được vinh danh trong Top 100 “Doanh nghiệp bền vững” khi đáp ứng phần lớn các chỉ số theo yêu cầu.
Tiếp sau Lễ phát động, Ban tổ chức Chương trình sẽ tổ chức các khóa tập huấn trực tiếp/trực tuyến về Quản trị doanh nghiệp nói chung và cách thức tổ chức triển khai áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp nói riêng từ tháng 6 – tháng 8/2023. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ tham dự của doanh nghiệp là ngày 31/08/2023. Doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin và tham dự Chương trình tại website http://vbcsd.vn/csi.asp.
********************************
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Emai: trungnt@vcci.com.vn | ĐT: 0945223333
Email: thuyttt@vcci.com.vn | ĐT: 0989749012
Đính kèm: Giới thiệu về Chương trình