Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 28/04/2024

Đăng ký nhận tin

Nâng tầm giá trị dệt may: "Xanh hóa" để tăng tính cạnh tranh

05/01/2024 09:37 SA
Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối diện với rất nhiều khó khăn khi lượng hàng tồn kho cao, đơn hàng sụt giảm,... đã tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc phải chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ, lẻ, trái sở trường, đây cũng là dịp để doanh nghiệp định vị lại dòng sản phẩm, đầu tư phát triển theo hướng "xanh hóa" nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị trong chuỗi,...

Việt Nam được xác định là một điểm đến với nhiều quan tâm của ngành thời trang thế giới, đặc biệt, trong xu thế sản xuất xanh và tuần hoàn đang được đẩy mạnh với tốc độ cao. Tuy nhiên, sự đa dạng của các nguồn nguyên phụ liệu trong nước còn hạn chế, đang làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành.

Phát triển bền vững

"Xanh hóa" là xu hướng cho thấy thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất. Những yêu cầu về "xanh hóa" mang tính định tính đang được cụ thể hóa qua các chính sách mang tính định lượng như thông qua các sắc thuế, chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, thuế xử lý chất thải, khí thải... nhà chức trách sẽ gắn trách nhiệm của nhà sản xuất hàng hóa nói chung, sản phẩm tiêu dùng nói riêng bằng việc đánh thuế trên số lượng sản phẩm tiêu dùng tại nguồn sản xuất và tại các kênh phân phối.

Sắc thuế mới được áp dụng dẫn đến giá sản phẩm tăng lên; những yêu cầu về trách nhiệm xã hội mới theo xu thế giảm thiểu phát thải carbon, sử dụng công nghệ sạch, vận động và hình thành văn hóa tiêu dùng mới... có thể dẫn tới giảm số lượng sản phẩm tiêu dùng. Như vậy, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tuổi thọ sản phẩm dài ra, khả năng tuần hoàn của sản phẩm, đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm được nhấn mạnh và có sự dịch chuyển từ vận động khuyến khích, từ rào cản phi tài chính sang thành các rào cản tài chính cụ thể sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường hàng hóa thời trang trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang nhận định, "xanh hóa" và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Nói một cách tổng quát, các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.

Năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Để thực hiện mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới. "Giải pháp chính của ngành dệt may sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may,..." - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng, "xanh hóa" trong hoạt động sản xuất không chỉ đối với doanh nghiệp mà của toàn ngành trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050. May 10 đã chuyển dịch theo hướng "xanh hóa" từ khoảng sáu năm trở lại đây bằng việc đầu tư các thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; đầu tư năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, chuyển hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm chống ô nhiễm khí thải,... Bên cạnh đó, May 10 cũng tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ để số hóa sản xuất, tiếp cận với các đơn hàng nhỏ lẻ nhưng đòi hỏi kết cấu phức tạp, chất lượng cao, thời gian giao hàng nhanh, từ đó tận dụng tất cả các lợi thế để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Tháo gỡ các "điểm nghẽn"

Ngành dệt may trong nhiều năm qua tăng trưởng rất nhanh do nhu cầu của thị trường thế giới; số lượng sản phẩm tăng, đặc biệt, dòng thời trang nhanh với rất nhiều mẫu mã mới thôi thúc giới trẻ sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, với xu hướng dệt may thời trang xanh đòi hỏi các sản phẩm phải trở nên bền hơn, ít số lượng hơn, chắc chắn sẽ gây áp lực với doanh nghiệp khi số lượng đơn hàng sản xuất không nhiều như hiện nay và các đơn vị sẽ đứng trước khó khăn khi đang có quy mô sản xuất lớn nhưng đơn hàng lại không nhiều. Do đó, doanh nghiệp cần phải cân đối lại năng lực, nâng cao chất lượng cũng như chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ: Là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành. Muốn tháo gỡ được điểm nghẽn này, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu). Hiện nay, năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.

"Tư duy, chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội,... Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động hướng tới các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt" - ông Lê Tiến Trường khẳng định.

TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đánh giá, các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ, nhà máy xanh chắc chắn sẽ bị thâm dụng nguồn vốn lớn, trong khi hiện có tới 89,2% doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô dưới 200 lao động sẽ bị đuối về nguồn lực tài chính. Vì vậy, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phạm vi cho phép của các cam kết hội nhập quốc tế thông qua chính sách thuế hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi về lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học giúp hình thành chuỗi dệt may hoàn chỉnh. Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, đầu tư các cụm, khu công nghiệp sợi, dệt, nhuộm tập trung,... nhằm tạo điều kiện để ngành phát triển.

Góp ý thúc đẩy ngành dệt may phát triển thời gian tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, ngành dệt may cần giải quyết các vấn đề để bứt phá, bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá,... Đồng thời, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế, phí, tín dụng cũng như đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số,... nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Có thể thấy, "xanh hóa" là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, mang về nhiều đơn hàng, tuy nhiên, cần tiếp cận bình tĩnh, khoa học, lắng nghe và bám sát hơi thở của thị trường, của từng khách hàng lớn để quá trình đổi mới giữ được cân bằng trong doanh nghiệp.

Quá trình này không để tạo ra quá nhiều thách thức từ tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, và thị trường cùng một lúc, đặc biệt, sau thời gian khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19, nguồn lực của doanh nghiệp rất hạn chế,... Khi xác định được phương thức, hướng đi thích hợp sẽ giúp doanh nghiệp phát huy thế mạnh, giữ ổn định sản xuất và từng bước nâng cao giá trị trong chuỗi dệt may toàn cầu.

Bài: Hoàng Anh - Báo Nhân dân

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.763
Khách
: 1.106
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Nâng tầm giá trị dệt may: "Xanh hóa" để tăng tính cạnh tranh Rating: 5 out of 10 29611.
Core Version: 1.8.0.0