Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Ba, 30/04/2024

Đăng ký nhận tin

Ngăn ngừa ô nhiễm ngành dệt may

12/05/2016 09:33 SA

Tính từ đầu năm 2015, đã có hơn 2 tỷ USD được nhà đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực công nghiệp dệt may Việt Nam và các lĩnh vực phụ trợ ngành này để đón đầu TPP. Nhưng làn sóng này cũng kéo theo những nghi ngại về ô nhiễm môi trường, bởi lĩnh vực dệt nhuộm và ngành phụ trợ dệt may sử dụng nhiều hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.

Đầu tư dệt may - phát triển nóng       

Vốn FDI rót vào lĩnh vực dệt may thời gian qua tăng trưởng quá nóng và ngày càng có nhiều dự án FDI dệt may quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện sức hút của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Điểm chung của các FTA thế hệ mới như TPP, EVFTA là đi kèm các ưu đãi thuế quan 0% cho hàng hóa xuất khẩu nội khối, các tiêu chuẩn ngặt nghèo về xuất xứ hàng hóa cũng được đưa vào cam kết hiệp định, như một điều kiện tiên quyết để được hưởng ưu đãi. Đối với ngành dệt may - ngành hàng Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi nhất khi tham gia TPP - yêu cầu của TPP là xuất xứ hàng hóa từ bông, sợi, hoặc nguyên phụ liệu trong 12 nước TPP, với EVFTA là từ vải. Hơn nữa các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản (trong TPP) hay EU đang tăng cường nhập khẩu sản phẩm may mặc.

Đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào ngành dệt may Việt Nam. Đó là sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn dệt may từ các nước trong khu vực sang Việt Nam. Nguyên nhân chính do Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như TPP, EVFTA với các thị trường hấp dẫn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, nên nhà đầu tư các nước này chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam để được hưởng các ưu đãi xuất khẩu.

 Đặng Phương Dung, nguyên Phó Chủ tịch VITAS

Thực tế từ đầu năm 2015, khi TPP cơ bản kết thúc đàm phán đã có hàng loạt dự án FDI đổ bộ vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam. Bên cạnh các dự án FDI dệt may quy mô nhỏ, đã xuất hiện các dự án quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Chỉ tính các dự án đã đi vào hoạt động, khu vực FDI đang chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Số lượng dự án FDI dệt may được cấp phép đầu tư tại các địa phương cũng gia tăng đáng kể. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, Đồng Nai thu hút được 33 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 580 triệu USD, tập trung vào 2 lĩnh vực dệt may và cơ khí, trong đó có 15 dự án công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trước đó trong năm 2015, tỉnh này đã cấp phép cho dự án mở rộng sản xuất, gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Đây là dự án FDI lớn nhất đầu tư vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam trong những năm qua.

Một địa phương khác thu hút khá nhiều dự án FDI đầu tư vào dệt may là Bình Dương. Trong số 560 doanh nghiệp dệt may hoạt động trên địa bàn có 460 doanh nghiệp FDI. Tính từ đầu năm 2016 đến nay lượng vốn FDI đầu tư vào dệt may tại Bình Dương đạt trên 400 triệu USD. Nổi bật là dự án Công ty TNHH Far Eastern Polutex Việt Nam đầu tư 274 triệu USD, cung ứng chuỗi liên hợp hóa sợi dệt, nhuộm; dự án Công ty TNHH Công nghiệp De Licacy Việt Nam 100 triệu USD chuyên sản xuất lĩnh vực sợi, dệt vải và hoàn thiện sản phẩm dệt; dự án nhà máy sản xuất sợi bọc đàn hồi, sợi xoắn của Công ty TNHH Công nghiệp Li Long.

Khoảng trống nguyên, phụ liệu và cảnh báo tác hại môi trường

Điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay nhập khẩu trên 90% nguyên phụ liệu từ bên ngoài phục vụ sản xuất. Sợi sử dụng trong nước chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, doanh nghiệp nội địa chỉ cung ứng được khoảng 1% nhu cầu bông, 30% nhu cầu xơ. Thực trạng này cho thấy muốn được hưởng thuế suất ưu đãi từ các FTA, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.

Tiêu chuẩn về môi trường thể hiện sự đánh đổi của một quốc gia trong phát triển kinh tế. Việc rà soát chuẩn xả thải vào nguồn nước là điều cần phải nghiên cứu, xem xét lại. Nếu để thấp có thể phù hợp với giai đoạn đang thu hút đầu tư, nhưng nay đã sang giai đoạn mới, phải chọn lọc dự án đầu tư. Với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam, muốn bảo vệ môi trường phải nâng cao tiêu chuẩn môi trường trong các dự án.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường

Ở góc độ khách quan, đầu tư FDI vào lĩnh vực dệt may, đặc biệt vào các ngành CNHT dệt may thời gian qua có tác động tốt, góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ cho doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hầu hết dự án FDI đầu tư CNHT dệt may chỉ phục vụ trong chuỗi cung ứng của họ hoặc phục vụ xuất khẩu. Doanh nghiệp dệt may trong nước muốn mua lại nguyên, phụ liệu của họ phải nhập qua các đối tác của nhà đầu tư FDI, hoặc nhập từ nước ngoài. Điều này xuất phát từ cơ chế thuế hiện nay, nếu các nhà đầu tư FDI bán nguyên phụ liệu may mặc trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu thuế VAT 10%, ngược lại xuất khẩu trong chuỗi cung ứng của họ lại được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi 0%.

Bên cạnh đó, đầu tư CNHT dệt may như sản xuất xơ, sợi dệt vải, hay hóa chất làm thuốc nhuộm đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn khâu gia công. Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã hợp tác đầu tư nhà máy chế biến xơ, sợi tổng hợp Đình Vũ (Hải Phòng). Nhưng sự hợp tác này thất bại bởi giá dầu biến động, chi phí đầu tư cao trong khi xơ, sợi không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Vì thế, nếu không chủ động đầu tư phát triển nguồn nguyên, phụ liệu hoặc có cơ chế chính sách để doanh nghiệp trong nước mua trực tiếp nguyên phụ liệu của doanh nghiệp FDI, sự phụ thuộc trong tương lai của ngành dệt may càng lớn.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính, tổng lượng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực dệt may và CNHT ngành này đến nay đạt khoảng 10 tỷ USD, kéo theo hàng chục tỷ USD vốn đầu tư này là hàng ngàn dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định niêm phong xưởng dệt, nhuộm của Công ty Mei Sheng vì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đây là một trong số những trường hợp được phát hiện mới nhất. Trước đó, tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu nhà đầu tư dự án Nhà máy sợi, vải màu Lu Thai chỉ được phép nhuộm các sản phẩm do nhà máy trực tiếp sản xuất, không được nhuộm các sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài để hạn chế nguy cơ xả thải, gây ô nhiễm môi trường thượng nguồn các dòng sông trên địa bàn. Hay trong một động thái gần đây, Bộ KH-ĐT đã quyết định dừng cấp phép 2 dự án dệt may tại các tỉnh phía Bắc vì lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng trong thẩm định, lựa chọn các dự án FDI nói chung và dự án dệt may nói riêng cần có những chỉ dẫn về công nghệ cho dự án. Nhà đầu tư cần đáp ứng các công nghệ tiêu chuẩn về môi trường trước khi được cấp phép đầu tư. Điều này sẽ hạn chế việc nhập khẩu các công nghệ truyền thống, công nghệ đã cũ vào các dự án FDI. Bên cạnh đó, cần phá vỡ thế đặc khu của các dự án đầu tư FDI lớn để tiện giám sát quá trình xử lý nước thải, chất thải trong sản xuất.

 

Công ty TNHH Mei Sheng Textiles VN xả nước thải dệt nhuộm đã đầu độc hồ Đá Đen, là nơi cung cấp nước cho 90% hộ dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các dự án FDI trong lĩnh vực dệt, nhuộm, TS. Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời đảm bảo đầu tư các hạng mục xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Thí dụ, trong ngành nhuộm hiện nay đã có nhiều loại thuốc nhuộm thân thiện hơn với môi trường thay thế các loại thuốc nhuộm vô cơ trước đây. Tuy nhiên trong việc này, để có được quyết định lựa chọn đầu tư hiệu quả, chính quyền cần lắng nghe ý kiến của các nhà kỹ thuật công nghệ chuyên ngành. Một lưu ý nữa là không nên cho phép xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp riêng lẻ, mà nên cấp phép đầu tư các dự án FDI dệt may trong các khu công nghiệp để công tác bảo vệ môi trường được thực hiện dễ dàng hơn. Về nguyên tắc, quy chuẩn về bảo vệ môi trường với tất cả các ngành sản xuất, các dự án đầu tư ngày càng phải tiến tới chặt chẽ hơn.

Để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các dự án FDI, các chuyên gia khuyến cáo cần làm tốt 3 vấn đề: quy chuẩn xả thải và sức chịu tải của môi trường; giám sát xả thải, kiểm soát ô nhiễm và quan trắc môi trường; thực hiện tốt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Bởi thực tế, các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam hiện nay thấp, dù đây là một tiêu chí quan trọng trong đàm phán thương mại. Bên cạnh đó, nếu để xảy ra xả thải, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà đầu tư, nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương trong cấp phép, giám sát và quản lý hoạt động đầu tư của các dự án FDI. Bởi theo quy định tất cả dự án đều phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và các chất thải trong quá trình sản xuất. Theo tiêu chuẩn, nước thải sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn loại A, phải uống được.

Nguồn: Đăng Tuân/SGĐT

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.122.827
Khách
: 953
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0