Tự vệ đặc biệt đối với dệt may
TPP là một hiệp định thế hệ mới, ở tầm cao mới, nhưng mới cụ thể như thế nào và tác động ra sao tới mỗi DN, lĩnh vực, ngành nghề thì từng hiệp hội, từng DN cần tìm hiểu kỹ càng để xây dựng chiến lược hoạt động của mình.
Ngay trong bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đăng tải đầu năm mới Bính Thân, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể - Nhà nước, người dân và DN”.
Sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động chỉ có thể đến với DN khi DN trong mỗi ngành tự tìm hiểu và nghiên cứu những cơ hội cũng như thách thức của TPP tới ngành nghề, lĩnh vực của mình. Dệt may là một ví dụ điển hình. Đây là ngành nghề được các bộ ngành, chuyên gia cảnh báo khá sớm về quy tắc “từ sợi trở đi”. Tuy nhiên, sau khi văn kiện chính thức của TPP được thông qua, quy tắc này được hiểu rõ là, không có quy tắc “từ sợi trở đi” chung cho tất cả sản phẩm dệt may mà là quy tắc cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm dệt may.
Với quy tắc này, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI lưu ý với DN dệt may cho rằng, với mỗi nhóm sản phẩm dệt may, DN cần tra cứu cụ thể quy tắc xuất xứ riêng cho nhóm sản phẩm của mình. Quy tắc xuất xứ đối với mỗi nhóm sản phẩm dệt may được quy định trong phụ lục 4A, Chương 4 Hiệp định TPP. Ngoài ra, TPP cũng có một số trường hợp ngoại lệ, không phải tuân thủ quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Đó là các trường hợp: Tỷ lệ tối thiểu; Danh mục nguồn cung thiếu hụt; Cơ chế một đổi một. Theo TS. Trang, ngoại lệ đáng chú ý nhất là “Danh mục nguồn cung thiếu hụt” mà thực chất là hai danh mục nguyên liệu vải và sợi mà nếu không có xuất xứ TPP nhưng đáp ứng được các điều kiện cụ thể được liệt kê thì sẽ được coi là “có xuất xứ TPP”. Danh mục này được quy định trong phụ lục 1 của phụ lục 4-A của Chương 4 Hiệp định TPP gồm hai loại, Danh mục nguồn cung thiếu hụt tạm thời và Danh mục nguồn cung thiếu hụt vĩnh viễn.
Đối với lĩnh vực dệt may, các DN trong ngành cũng cần lưu ý một vấn đề nữa là cơ chế tự vệ đặc biệt. Theo đó, nếu một sản phẩm dệt may của một nước TPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định và XK sang một nước TPP khác với một khối lượng gia tăng và gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước NK, nước NK có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may đó. Cụ thể, nước NK có thể không tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế quan cho sản phẩm dệt may và nâng mức thuế lên ngang bằng với mức thuế tối huệ quốc (thuế MFN) theo WTO tại thời điểm đó. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để ngăn ngừa hoặc bù đắp các thiệt hại do hàng NK đó gây ra đối với ngành xuất nội địa của nước NK.
DN được “độc quyền dữ liệu”
Theo bà Lê Thị Thu Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, thành viên của Tổ trợ giúp Đoàn đàm phán, điều lo lắng nhất của Đoàn đàm phán chính là những đối tượng dễ bị tổn thương trong TPP. Hội nhập có cơ hội và thách thức. Cùng một vấn đề, với DN này là thách thức nhưng lại là cơ hội của DN khác. Theo bà Nga, thách thức lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp bởi quy mô sản xuất của ngành Nông nghiệp Việt Nam không lớn mà vừa phải cạnh tranh trong khu vực ASEAN và sắp tới là cả TPP. Tuy nhiên, theo bà Nga, cũng không nên quá bi quan bởi thời bao cấp người dân không đủ gạo ăn nhưng sau đổi mới Việt Nam lại XK gạo vươn lên nhất nhì thế giới. Do đó, DN cần vận dụng khéo léo, tìm được con đường đi riêng.
Trong TPP, có một cam kết riêng về thời hạn bảo hộ đối với kết quả thử nghiệm và các dữ liệu về tính an toàn, hiệu quả của nông hóa phẩm chưa công khai, còn gọi là “Độc quyền dữ liệu”. Theo đó, nếu chủ thể nộp đơn xin Giấy phép lưu hành cho một nông hóa phẩm mới, phải cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc dữ liệu khác chưa công bố về mức độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm đó cho cơ quan cấp phép, thì cơ quan này sẽ không cho chủ thể khác lưu hành cùng sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự trong ít nhất 10 năm trừ khi được chủ thể đồng ý. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, các quy định này cơ bản sẽ tạo lợi thế cho các chủ thể lần đầu đưa ra dữ liệu thử nghiệm, bởi sau khi người này được cấp giấy phép lưu hành nông hóa phẩm, trong thời gian bảo hộ 10 năm, các chủ thể khác muốn lưu hành sản phẩm tương tự sẽ không được sử dụng cùng một dữ liệu thử nghiệm đó nữa. Điều này cũng có nghĩa là, trong thời gian 10 năm đó, các chủ thể khác muốn đăng ký lưu hành sản phẩm sẽ phải tốn chi phí cho việc xây dựng dữ liệu thử nghiệm riêng.
Nhiều người vẫn nói, TPP là một hiệp định thế hệ mới, ở tầm cao mới, nhưng mới cụ thể như thế nào và tác động ra sao tới mỗi DN, lĩnh vực, ngành nghề thì từng hiệp hội, từng DN cần tìm hiểu kỹ càng để xây dựng chiến lược hoạt động của mình. Hai năm tới không phải quãng thời gian ngắn nhưng cũng không quá dài để DN chuẩn bị một cơ đồ.
Theo HQ Online