I. Điểm giống nhau
Về cấu trúc, quy định xuất xứ của 2 Hiệp định đều phân chia làm 3 trường hợp:
- Trường hợp 1: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy, bao gồm các hàng hóa được hình thành một cách tự nhiên trong lãnh thổ các bên tham gia FTA như: khoáng sản, động vật thực vật được hình thành tự nhiên; và sản phẩm của các loại động thực vật…
- Trường hợp 2: Hàng hóa có xuất xứ cộng gộp, bao gồm các hàng hóa được hình thành từ nguyên liệu có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ; được chế biến hoặc sản xuất tại nước tham gia FTA.
- Trường hợp 3: Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại nước tham gia FTA, sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ hàng hóa nhưng các nguyên liệu này thỏa mãn các yêu cầu cụ thể về quy trình sản xuất được quy định tại Hiệp định. II. Điểm khác biệt.
II. Điểm khác biệt.
Những điểm khác biệt nằm ở trường hợp 2, và 3. Cụ thể:
- Trường hợp 2, hàng hóa có xuất xứ cộng gộp:
- Đối với ATIGA: Xuất xứ nguyên vật liệu được tính từ các nước thành viên ASEAN.
- Đối với EVFTA: Ngoài các trường hợp cộng gộp xuất xứ của hai Bên gồm Việt Nam và 28 nước viên EU, EVFTA còn cho phép cộng gộp xuất xứ mở rộng trong 2 trường hợp, gồm:
+ Cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc đối với hàng dệt may: Trong quá trình sản xuất các sản phẩm dệt may, các nguyên liệu có xuất xứ Hàn Quốc sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam, miễn là thỏa mãn các yêu cầu về quy trình sản xuất (theo quy định tại Điều 6 Nghị định thư). Trong tương lai, nếu có một nước nào đó cùng có FTA với VN và EU thì Việt Nam sẽ thông báo cho Ủy ban Hải quan của EVFTA và Ủy ban này sẽ quyết định việc có cho phép cộng gộp không
+ Cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với mực và bạch tuộc: Các nguyên liệu có xuất xứ từ một nước ASEAN sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam, nếu nguyên liệu này thuộc (i) Danh sách được liệt kê tại Phụ lục III Nghị định thư; (ii). Nguyên liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm được liệt kê tại Phụ lục IV Nghị định thư; (iii). Nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN có cam kết tuân thủ các quy định tại Nghị định thư này và có hợp tác hành chính cần thiết với EU để bảo đảm việc thực thi đầy đủ Nghị định thư này với EU và giữa họ với nhau.
- Trường hợp 3: Nguyên vật liệu không có xuất xứ
-Đối với ATIGA: Tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp bốn số. Để được hưởng thuế quan ưu đãi, hàm lượng khu vực (RCV) từ 40% trở lên. Công thức tính cụ thể như sau: RVC = (Trị giá FOB - Trị giá của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hoá không có xuất xứ)/ Trị giá FOB x 100 %
-Đối với EVFTA: Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam/EU, sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ, EVFTA không có công thức chung như ATIGA mà đưa ra các quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho từng nhóm sản phẩm. Sau đây là một vài ví dụ:
+ Rau củ quả chế biến: Được phép sử dụng nguyên liệu đường không có xuất xứ trong các sản phẩm rau củ quả chế biến với tỷ lệ không quá 20% (với điều kiện rau củ quả phải nguyên liệu xuất xứ thuần túy).
+ Rượu và đồ uống có cồn: : Được phép sử dụng nguyên liệu đường không có xuất xứ trong các sản phẩm rượu nho với tỷ lệ không quá 20% (với điều kiện nho phải nguyên liệu xuất xứ thuần túy).
+ Lá thuốc lá đã chế biến chỉ được sử dụng tối đa 30% nguyên liệu không xuất xứ.
Quy tắc xuất xứ đối với trường hợp 3, được quy định tại tại Điều 5 Nghị định thư Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, và Phụ lục II về Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (Danh mục PSR).
Nguồn: Tạp chí Công Thương