Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 27/04/2024

Đăng ký nhận tin

Thay đổi kiểm tra chuyên ngành: trên bảo dưới không nghe!

02/06/2016 12:49 CH

“Về chuyện kiểm tra formaldehyt, chúng tôi đấu tranh mãi với cái Thông tư 32, Bộ Công Thương sửa thành Thông tư 37 nhưng giờ lại khó khăn hơn… Hay như quy định về kiểm tra hun trùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với lông thú nhập về để sản xuất áo jacket… Các bộ, ngành đừng có cam kết rồi tìm cách luồn lách. Làm như vậy thì không thể thành công trong TPP và nhiều FTA thế hệ mới!”.

 

Doanh nghiệp dệt may khốn khổ vì quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt nhiều năm qua. Ảnh: Thanh Thương

Bức xúc này của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại một hội nghị vừa diễn ra ở TPHCM, đã khái quát được phần nào thực tế đang diễn ra ở lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành trong hàng hóa xuất nhập khẩu, rằng: Chính phủ cứ chỉ đạo, bộ ngành cứ cam kết còn doanh nghiệp thì cứ lãnh đủ!

Bà Mai cho biết, chuyện phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp đã kêu gào biết bao nhiêu năm nay, thậm chí có người còn cãi tay đôi với cơ quan quản lý nhưng vẫn cứ kiểm tra từng lô, khiến doanh nghiệp không chỉ tốn thời gian mà còn tốn chi phí không nhỏ.

Điểm vướng mắc của Thông tư 37 sửa đổi Thông tư 32 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt là khoản c, mục 1, điều 11 quy định: sản phẩm dệt may nhập khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc làm hàng mẫu; hàng tham gia triển lãm, hội chợ; vải nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và vải nhập khẩu là nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất sau khi kết thúc hợp đồng và chuyển sang tiêu thụ nội địa: không quá 30m/mẫu vải hoặc 5 sản phẩm/mẫu. Thời gian kiểm tra là một ngày.

Trên thực tế, theo doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra vẫn lấy mẫu sản phẩm, thời gian kiểm tra kéo dài nhiều ngày...

“Chính phủ đã có Nghị quyết 35. Chính phủ đã thay đổi và quyết tâm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại. Nhưng đến giờ này, các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn sử dụng cơ chế xin - cho, thay vì chọn - bỏ”, bà Mai thẳng thắn. Và cứ như vậy, theo bà Mai, Việt Nam sẽ không được công nhận là kinh tế thị trường và cũng không thể thành công trong các hiệp định thương mại (FTA) đang và chuẩn bị vận hành.

Bản thân các doanh nghiệp đang cố gắng, nỗ lực tái cơ cấu, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giống như người mua được chiếc xe và chăm lo cho chiếc xe đó nhưng không biết chạy trên đường ra sao. “Chúng tôi cần một con đường tốt, đó là hệ thống pháp lý hoàn thiện”, bà Mai nói.

Dưới góc nhìn của cơ quan hải quan, việc phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt cũng là một bất hợp lý. Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, câu hỏi ông luôn đặt ra khi họp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là tại sao không thực hiện quản lý rủi ro mà lô nào cũng kiểm tra, cũng không công nhận chứng nhận về chất lượng từ nhà nhập khẩu. Ngành hải quan đã báo cáo nhiều nhưng vẫn chưa thay đổi.

Hay như thủ tục kiểm tra về y tế với những món quà tặng trị giá dưới 2 triệu đồng hàng chuyển phát nhanh. Cơ quan hải quan kiến nghị bỏ vì không tin một hộp bánh nhỏ làm quà tặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như lo ngại của cơ quan quản lý. Bản thân người nhận hàng thậm chí nói rằng sẽ cho luôn vì thủ tục quá nhiêu khê. “Viện Y tế công cộng dù chia sẻ nhưng vẫn thực hiện vì Bộ Y tế chưa bỏ quy định này”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết, thực hiện theo Quyết định 2026 của Thủ tướng Chính phủ về đề án“Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, đơn vị này đã tổ chức hai điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại Cát Lái và Tân Sơn Nhất từ đầu năm 2016. Theo đó, 6-7 cơ quan kiểm tra chuyên ngành mang hệ thống máy móc và người đến làm việc tại hai cửa khẩu để cho ra ngay những kết quả kiểm tra đơn giản.

Nhưng, ông Thắng thừa nhận, điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung giải quyết được một số khó khăn phần ngọn. Đề án kể trên hướng đến mục tiêu lớn hơn là thay đổi tư duy về kiểm tra chuyên ngành, đó là kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm (hàng hóa gây nguy hại đến sức khỏe, môi trường, kinh tế, an ninh quốc gia) và phải phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp định đã ký kết; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, thừa nhận kết quả của nước xuất khẩu, nhập khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu… Vậy nhưng, vướng mắc lớn nhất là các cơ quan cấp phép về kiểm tra chuyên ngành vẫn áp dụng kiểu xin - cho; chọn - cho thay vì chọn - bỏ nên thủ tục chồng chéo và truyền thống.

Cũng trong đề án này, Thủ tướng Chính phủ điểm tên 87 văn bản quy phạm pháp luật của 13 bộ về kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa phải được sửa đổi trong quí 4-2015, một vài trường hợp cho dời đến quí 1 và quí 2-2016. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, theo ông Thắng thì vẫn chưa được bao nhiêu.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, cũng thẳng thắn cho rằng điểm kiểm tra chuyên ngành chỉ là phần ngọn. Trên thực tế, dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn bảo lưu “với cớ là bảo vệ người dân, môi trường để kiểm tra toàn bộ".

Ông Liêm đánh giá, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2015, đến nay đã đi hết nửa năm 2016 mà nhiều vấn đề chưa được sửa. Do vậy, doanh nghiệp cần phải ngồi lại để cùng lên tiếng về việc các cơ quan nhà nước đã làm được gì. Nếu không, những tiếng nói sẽ đi vào quên lãng.

Muốn thay đổi, ông Thắng cho rằng cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện của các đơn vị. Mỗi bên phải có sự trung thực và sòng phẳng với nhau về quyền và trách nhiệm. Cơ quan cao nhất phải làm nhiệm vụ trọng tài để phân xử, đảm bảo công bằng, công khai cho các bên liên quan.

Thêm vào đó, một khi đã quyết định quản lý theo phương pháp rủi ro thì cũng phải chấp nhận… rủi ro, tránh trường hợp khi xảy ra sự cố vì rủi ro trong quản lý thì bắt giải trình.

Nguồn: Saigon Times

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.522
Khách
: 861
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0