Hồi tháng 11, khi công ty Levi's hợp tác với thương hiệu Depop ở Australia, những chuyên gia trong giới thời trang nhận ra một điều: denim có sức hấp dẫn mãnh liệt giữa các thế hệ khách hàng. Song, cách sản xuất quần jeans có nhiều vấn đề. Họ nhận ra cách tốt nhất là phát triển theo hướng bền vững.
Theo SCMP, vấn đề nan giải là chất liệu may quần jeans. Khác với những loại vải khác, denim từ lâu được xem là thứ có hại cho môi trường. Chất liệu vải tốn nhiều nước để sản xuất, yêu cầu sử dụng bông và thuốc nhuộm hóa học độc hại.
Jeans nói riêng và denim nói chung từ lâu được đánh giá là chất liệu kém thân thiện với môi trường.
Nỗ lực đổi mới cách sản xuất quần jeans
Hiện tại, ngành công nghiệp denim đang đạt được những bước tiến mới nhằm giảm bớt tác động của chiếc quần jeans gây hại đến môi trường.
Nhiều thương hiệu đang sản xuất denim bằng cách sử dụng bông được chứng nhận Tiêu chuẩn dệt hữu cơ toàn cầu (Gots). Họ tận dụng nó và chỉ sản xuất quần jeans theo đơn đặt hàng để tránh lãng phí. Một số công ty như Nudie Jeans của Thụy Điển có dịch vụ sửa chữa quần jeans miễn phí để tận dụng tối đa trang phục.
Outland Denim, thương hiệu quần jeans yêu thích đến từ Australia của Công nương Meghan Markle, sử dụng bông Gots, thuốc nhuộm không độc hại và giảm sử dụng nước và chất thải trong sản xuất. Thương hiệu có chứng nhận B Corp, có nghĩa là doanh nghiệp hoạt động hướng tới nền kinh tế bền vững.
Giám đốc điều hành của công ty, James Bartle, cho biết ông đã nhận thấy sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp denim kể từ khi ra mắt thương hiệu vào năm 2011.
Quần jeans được các chuyên gia đánh giá là trang phục vượt thời gian.
“Ngày trước, thời trang là cuộc trò chuyện của những người yêu thích sự sành điệu. Giờ đây, giới mộ điệu và cộng đồng hướng tới sự bền vững. Tính bền vững không chỉ là điều cần thiết mà còn là dấu hiệu của sự chuyên nghiệp. Thật tuyệt khi chứng kiến sự thành công trong công nghệ làm sạch quá trình sản xuất denim - một trong những loại quần áo bẩn nhất khi được sản xuất thông thường”, James Bartle nói.
Song, Bartle thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm, bao gồm cả việc đối xử với những người làm ra quần áo để hướng tới sự phát triển bền vững.
Với thương hiệu quần jeans Unspun có trụ sở tại Hồng Kông, giảm chất thải liên quan đến sản xuất denim là mục tiêu hàng đầu. Công ty được thành lập bởi Walden Lam, người tốt nghiệp ĐH Stanford, từng làm việc cho nhà bán lẻ quần áo thể thao Lululemon, công ty tài chính Goldman Sachs. Anh áp dụng kỹ thuật quét 3D và robot để giúp khách hàng tìm được chiếc áo quần jeans vừa vặn nhất. “Unspun được thành lập vì việc mua sắm quần jeans thực sự rất hấp dẫn. Cá nhân tôi phải vật lộn với nó và nhiều bạn bè của chúng tôi cũng vậy”, Lam nói.
Theo lời CEO thương hiệu, việc sản xuất hàng loạt quần áo nhưng không quan tâm đến thị hiếu khách hàng là điều tai hại. Sứ mệnh của công ty là giảm lượng khí thải của con người trên toàn cầu thông qua sản xuất có chủ đích.
“Tôi nghĩ ban đầu khách hàng hơi nghi ngờ. Sau khi mua quần jeans của chúng tôi, họ nói rằng rất khó để quay trở lại với kích cỡ thông thường”, Lam nói thêm.
Tương lai của denim
Theo SCMP, đại dịch, khủng hoảng chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu toàn cầu đang buộc các thương hiệu thời trang phải đưa ra mô hình kinh doanh cho phép họ tạo ra nhiều doanh thu hơn mà không làm cạn kiệt thêm nguồn lực.
Một thương hiệu khác đang làm việc để giải quyết các vấn đề xung quanh vải và sản xuất là thương hiệu Frame đình đám có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ.
Vào tháng 11, thương hiệu tung ra mặt hàng quần jeans phân hủy sinh học được làm bằng công nghệ kéo giãn Coreva dựa trên thực vật. Công nghệ tạo ra chất liệu vải co giãn mà không cần vật liệu tổng hợp hoặc xăng.
Thương hiệu hợp tác với nhà máy denim cao cấp của Italy là Candiani. Đây là công ty được biết đến với những cải tiến lâu đời, hướng đến tính bền vững như tái tạo lĩnh vực nhuộm và giảm thiểu độc tố.
Theo ông Erik Torstensson, đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo của Frame, sự hợp tác với Candiani có nhiều ý nghĩa. “Tại Frame, chúng tôi luôn tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất tốt nhất và các nhà cung cấp có trách nhiệm. Candiani đã tồn tại hàng chục năm, trên thực tế tôi tin là gần một thế kỷ. Họ nằm trong số những nhà cung cấp denim hàng đầu trên thế giới và là những người tiên phong về tính bền vững. Candiani đã tập trung vào cách sản xuất có đạo đức trước khi thế giới biết đến nó”, ông nói.
Erik Torstensson cho rằng đây là cơ hội hoàn hảo để tạo ra sản phẩm mang tính cách mạng và có trách nhiệm trong ngành công nghiệp denim. Đồng sáng tạo của Frame đồng thời tin tưởng rằng những bước tiến mới sẽ đến khi các công ty denim quan tâm đến phát triển bền vững kết hợp cùng nhau.
“Frame trước đây hợp tác cùng Quỹ Ellen MacArthur, tạo ra bộ sưu tập từ loại vải được thu hoạch bằng phương pháp sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội, không sử dụng các hóa chất độc hại. Công ty cùng hơn 60 thương hiệu khác phát triển dự án có tên là Jeans Redesign để giảm thiểu chất thải tổng thể, đưa ngành công nghiệp thời trang trở nên thân thiện với môi trường hơn”, ông nói thêm.
Về tương lai của dòng vải denim và loại quần jeans, các chuyên gia trong ngành tin tưởng có nhiều điều xảy ra. Họ có thể tạo ra loại trang phục không cần tốn quá nhiều nước, chất thải, sợi bông được trồng trong hệ sinh thái không độc hại. Điều này đang được nghiên cứu và tiếp tục diễn ra.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những chiếc quần jeans có tác động tích cực đến môi trường. Chúng tôi đang có những bước tiến để đạt được điều đó. Điều đáng nói, điều đó phải phù hợp với khách hàng, những người luôn muốn có loại quần có thể mặc đi mặc lại nhiều lần. Đó chính là tính bền vững của thời trang”, Torstensson khẳng định.
Theo nguồn Zing News