Đến Việt Nam lần này, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker đã có buổi làm việc với Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương bàn về phát triển kinh tế, thương mại hai nước.
Chuyến thăm khẳng định lại sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào triển vọng phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines, điểm đến tiếp theo của đoàn sau khi rời Việt Nam
Chuyến thăm đồng thời thể hiện sự cam kết của Chính quyền của Tổng thống Obama trong việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại, đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: Việt Nam là một đất nước nhiều tiềm năng cho các công ty của Hoa Kỳ. Vì vậy, Hoa Kỳ ủng hộ việc thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam.
Kỷ niệm 20 năm quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam (1995- 2015) sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn, trong đó có sự tăng trưởng về thương mại, tăng 50 lần trong 20 năm qua.
Từ năm 1994, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, kim ngạch của hai nước ở mức 225 triệu USD, tính đến thời điểm này, kim ngạch Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt 30 tỷ USD, một sự tăng trưởng mạnh. Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hoa Kỳ 24,6 tỷ USD trong năm 2013, tăng 21,6% so với năm 2012. Sự tăng trưởng đó cũng thể hiện Việt Nam có thể nhập nhiều hàng hóa hơn từ Hoa Kỳ trong thời gian tới.
“Là Bộ trưởng Thương mại của Hoa Kỳ, tôi tập trung vào việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”- bà Penny Pritzker nói và cho đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp của Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư cũng như có các hoạt động thương mại, tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Bà Penny Pritzker cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn mong muốn cam kết lâu dài.
Mục đích kinh tế của Hoa Kỳ, theo Bộ Trưởng Thương mại Hoa Kỳ là làm sao để thúc đẩy được quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ cũng mong muốn thúc đẩy được cơ sở hạ tầng, cả phần cứng và phần mềm để hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc hợp tác với doanh nghiệp các nước ASEAN và khu vực. Ở đây, cơ sở hạ tầng cứng mang tính chất di chuyển hàng hóa dịch vụ con người, còn cơ sở hạ tầng mềm là những thể chế pháp lý để có thể di chuyển con người, hàng hóa, dịch vụ.
Trước những lo ngại về căng thẳng trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho rằng: Mặc dù doanh nghiệp của Hoa kỳ tại Việt Nam chưa bị tác động bởi những căng thẳng này nhưng việc làm của Trung quốc đang cản trở hòa bình và tự do hàng hải.
Nguồn: baocongthuong.com.vn