TPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 3, kì vọng trở thành phiên bản thay thế cho vòng đàm phán Doha, vốn chỉ tập trung vào các vấn đề bảo hộ tại đường biên giới. Tham vọng của TPP là tạo ra hoạt động thương mại lớn hơn giữa các nước tham gia và đặt chuẩn mực về cách thức thương mại nên thực hiện trong thế kỷ 21.
Đàm phán TPP được bắt đầu từ năm 2010 đến nay đã có sự tham gia của 12 nước, bao gồm Hoa Kỳ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Singapore, Peru, Nhật Bản và Việt Nam.
TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân,
chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Tiến trình đàm phán Hiệp định TPP kéo dài và vòng đàm phán mới nhất cũng không đạt được thỏa thuận nào nhưng điều này không làm giảm sự kỳ vọng của các quốc gia thành viên vào lợi ích mang lại khi TPP được ký kết.
Việc hoàn tất Hiệp định TPP sẽ tạo ra những biến đổi. TPP sẽ mở rộng thương mại và đầu tư giữa 12 thành viên, làm nền tảng cho hội nhập khu vực rộng lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là chất xúc tác để thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu.
Các quốc gia tham gia vào TPP sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thành hiệp định này, song hiệp định này cũng đòi hỏi tất cả 12 nước tham gia phải thích nghi với các chuẩn mực cao hơn.
Trong số các nước tham gia TPP tính đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ - quốc gia khởi xướng hiệp định thương mại này, đồng thời là nước lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tới tiến trình, phạm vi cũng như kết quả đàm phán.
Trước vòng đàm phán mới một tháng, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ - Penny Pritzker cho biết: “Chúng ta đang đi đến hồi kết của đàm phán và đây là phần khó khăn. Do vậy, có thể phải mất một thời gian nhưng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta đang có các tiến bộ”.
Hoa Kỳ đang cùng lúc triển khai đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên minh châu Âu (EU) và chuẩn bị cho bầu cử giữa nhiệm kỳ, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2014. Song điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm đầy đủ tới TPP.
Theo Ủy ban tư vấn về Chính sách thương mại Quốc tế, Hoa Kỳ có lợi ích thực sự trong TPP và điều này thể hiện dưới ba góc độ sau:
Thứ nhất, việc đàm phán TPP là thực chất đối với Hoa Kỳ, là căn cứ quan trọng để các đối tác thực hiện những nỗ lực đàm phán ở mức cao cho TPP.
Thứ hai, Hoa Kỳ mong muốn can dự vào mạng lưới FTA ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như đối trọng kinh tế với Trung Quốc tạo nên lợi thế nhất định trong đàm phán TPP cho các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước chưa có FTA với Hoa Kỳ như Malaysia và Việt Nam.
Thứ ba, khi chưa có Malaysia tham gia TPP, Việt Nam là một đích ngắm quan trọng của Hoa Kỳ trong đàm phán này (bởi các nước khác trong khu vực châu Á mà Hoa Kỳ đang ngắm tới hoặc là đã có FTA với Hoa Kỳ, ví dụ Singapore, hoặc là có quan hệ thương mại không đáng kể với Hoa Kỳ như Brunei).
TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: Với Việt Nam, một lợi ích rõ rệt nhất là tự do hóa thương mại trong TPP giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, trước hết các sản phẩm chế tạo sử dụng nhiều lao động. Điều này xuất phát từ thực tế TPP là khu vực thương mại tự do lớn với sự tham gia của các nước công nghiệp phát triển có tính bổ sung thương mại cao với Việt Nam”.
Dù vây, TS Thành cũng cảnh báo: “Những quy định, yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và một số nội dung khác của TPP sẽ là những khó khăn lớn đối với Việt Nam, thậm chí có thể triệt tiêu các lợi ích của việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư”.
Theo: Báo Công Thương