Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Tiền lương tối thiểu ở một số quốc gia - kinh nghiệm cho Việt Nam

27/05/2016 04:02 CH
Xác định tiền lương tối thiểu (LTT) luôn là vấn đề được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có tới 90% các nước duy trì hệ thống LTT và sử dụng LTT như một công cụ quan trọng để điều tiết thị trường lao động và để bảo vệ những người lao động lương thấp dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, cách tiếp cận, phương thức xác định, LTT áp dụng chung cho cả nước hay vùng, ngành... giữa các quốc gia lại rất khác nhau.

Một vòng các quốc gia

Các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp cận LTT bằng việc xác định một tỷ lệ % (chỉ số Kaitz) so với mức lương trung bình. Tỷ lệ này ở Cộng hòa Czech là 36%; các nước Luxemburg, Bỉ, Tây Ban Nha, Rumani, Slovakia, Ba Lan, Hà Lan, Anh... từ 42-51%; nhóm nước khác từ 54-62% là Hungary, Bồ Đào Nha, Slovenia và Pháp(1).

Tại châu Á, một số nước cũng xác định LTT bằng tỷ lệ % so với lương trung bình, như Nhật Bản (34,6%), Hàn Quốc (39,2%).

Nhiều nước khác (hầu hết là các nước đang phát triển) lại tiếp cận tiền LTT thông qua việc xác định một giỏ hàng hóa lương thực, thực phẩm (LTTP) và phi LTTP. Tổ chức Liên minh tiền lương tối thiểu châu Á đưa ra sáng kiến tính LTT cho khu vực này với một phương pháp thống nhất. Theo đó, giỏ hàng hóa LTTP được tính dựa vào định lượng Kcalo và tính theo ngang giá sức mua (PPP), nhu cầu phi LTTP được tính với tỷ lệ 1:1 so với nhu cầu LTTP, người ăn theo tính trên cơ sở một người đi làm nuôi một người ăn theo tính bằng 0,5. Như vậy, một gia đình bình quân có bốn người và được tính bằng ba đơn vị.

Vấn đề gây áp lực nhất đối với doanh nghiệp là lương tối thiểu ở Việt Nam dùng làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng các khoản bảo hiểm.

Phương thức xác định LTT cũng khác nhau giữa các nước, như:

- Dựa trên quyết định đơn phương của chính phủ theo luật LTT Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức từ ngày 1-1-2015...).

- Dựa vào tham vấn, có nghĩa là Chính phủ quyết định có sự tham vấn giới chủ và công đoàn hoặc các ủy ban LTT được thể chế hóa (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Úc, Việt Nam...).

- Dựa vào thương lượng giữa giới chủ, công đoàn và nhà nước (Bỉ, Hy Lạp, một số nước Đông Âu).
Hiện nay có hai loại LTT đang được áp dụng, đó là LTT chung và LTT vùng. LTT chung cho cả nước được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ Latinh (như Mỹ, Úc, New Zealand, Brazil, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức từ ngày 1-1-2015). LTT vùng được áp dụng tại đa số các nước châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam...).

Ngoài ra, một số nước áp dụng LTT hoàn toàn theo các thỏa ước lao động tập thể cho ngành hoặc nhóm ngành (Đức trước ngày 1-1-2015, Thụy Điển, Đan Mạch, Ý...).
Về quy định mức LTT, giữa các quốc gia cũng có sự khác biệt. Các nước phát triển thường quy định LTT theo giờ, còn các nước đang phát triển hoặc kém phát triển quy định theo tháng.

Tại các nước ASEAN, mức LTT năm 2015 như sau: Myanmar (50-60 đô la Mỹ/tháng), Lào (77 đô la Mỹ), Campuchia (128 đô la Mỹ) Việt Nam (101-145 đô la Mỹ), Thái Lan (237 đô la Mỹ), Indonesia (92-247 đô la Mỹ), Malaysia (225-253 đô la Mỹ), Philippines (180-321 đô la Mỹ). Một số nước châu Á khác, Bangladesh (68 đô la Mỹ/tháng), Trung Quốc (134-293 đô la Mỹ), Ấn Độ (78-136 đô la Mỹ), Pakistan (99-119 đô la Mỹ)(2)...

Vấn đề trong việc xác định LTT vùng ở Việt Nam

Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là xác định nhu cầu sống tối thiểu (NCSTT) của người lao động và gia đình họ. Nhu cầu sống tối thiểu được xác định trên cơ sở một giỏ hàng hóa LTTP gồm 45 mặt hàng tương ứng với 2.300 Kcalo. Nhu cầu phi LTTP được tính cho bốn vùng với tỷ lệ so với nhu cầu LTTP vùng 1 là 55:45, vùng 2 là 54:46, vùng 3 là 52:48 và vùng 4 là 51:49. Người ăn theo tính theo hệ số 0,7 (1.600/2.300 Kcalo). LTT áp dụng từ 1-1-2016 tương ứng với bốn vùng là 3,5 triệu đồng, 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng. Theo các chuyên gia đánh giá mức LTT này đã đạt 70% tiền lương bình quân tại các vùng ở Việt Nam, song lại mới chỉ đạt khoảng 80% NCSTT của người lao động và gia đình họ.

LTT xác định theo vùng hiện nay ở Việt Nam chưa hợp lý. Ví dụ các huyện sát nhau như Vĩnh Bảo - Hải phòng thuộc vùng 1 nhưng huyện Tứ Kỳ - Hải Dương thuộc vùng 3, Ninh Giang - Hải Dương và Thái Thụy, Quỳnh Phụ - Thái Bình lại thuộc vùng 4. Không thể hai khu vực dân cư cạnh nhau chỉ phân biệt bằng ranh giới hành chính lại có NCSTT và LTT khác nhau lớn như vậy.

- Vấn đề gây áp lực nhất đối với doanh nghiệp là LTT ở Việt Nam dùng làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng các khoản bảo hiểm. Khi LTT tăng đương nhiên các khoản trích nộp tăng theo. Trong điều kiện giá sản phẩm gần đây giảm từ 7-10%, doanh nghiệp không có khả năng tăng lương cho người lao động hoặc đầu tư thiết bị, công nghệ mới để tăng năng suất, đầu tư mở rộng. Thu nhập thực tế của đa số người lao động không tăng, thậm chí giảm do bản thân người lao động phải đóng bảo hiểm cao hơn và do giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo LTT.

Khuyến nghị cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế

Một là, tăng LTT phải cân đối giữa chức năng điều tiết thị trường lao động và tăng lương cho người lao động thu nhập thấp. Hiện nay chúng ta đang tập trung thái quá vào việc tăng lương cho người lao động thu nhập thấp mà ít chú ý đến chức năng điều tiết thị trường lao động của LTT. Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu giữa các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. LTT tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khó tồn tại để phát triển do các khoản đóng bảo hiểm cao và do phải bù lương cho người lao động trong thời gian đầu. Đầu tư nước ngoài sẽ chuyển đến các nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh... Cơ hội có việc làm đối với lao động ở nông thôn, hiện đang có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với mức LTT vùng, sẽ giảm.

Hai là, việc tăng LTT là để bảo vệ người lao động có thu nhập thấp và họ phải thực sự được hưởng lợi từ việc tăng lương. Ví dụ, tại Đức, từ ngày 1-1-2015, luật LTT có hiệu lực. Có 13% người lao động tương đương với 3,7 triệu người hưởng mức LTT mới là 8,5 euro/giờ và đã có 1.600 nhân viên được tuyển thêm để giám sát quá trình này.

Ở Việt Nam, đối tượng được thụ hưởng không có số liệu cụ thể, nhất là những người làm việc trong các hợp tác xã, hộ gia đình, trang trại có hợp đồng lao động, không có gì đảm bảo liệu họ có được tăng lương thực sự không. Tuy nhiên, LTT lại gắn với tăng các khoản đóng bảo hiểm, phí công đoàn... của doanh nghiệp và của tất cả người lao động. Như vậy người lao động lương thấp chưa chắc đã được hưởng, nhưng doanh nghiệp và người lao động nói chung thì chắc chắn phải đóng các khoản tăng thêm. Đây là vấn đề cần xem xét và là nỗi lo của doanh nghiệp mỗi lần tăng LTT.

Ba là, tăng LTT phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nước như khuyến nghị tại Công ước 131 của Tổ chức Lao động thế giới (ILO). Cụ thể tăng LTT tại Việt Nam phải gắn với tăng năng suất lao động, mức tăng GDP bình quân đầu người. Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất khiêm tốn, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9%/năm, trong khi LTT tăng bình quân khoảng 15%/năm. Nếu so sánh tỷ lệ LTT/GDP bình quân đầu người khu vực đô thị của Việt Nam và một số quốc gia là đối thủ cạnh tranh khác thì Việt Nam với tỷ lệ 84,7% cao hơn Trung Quốc (51,4%), Thái Lan (53,6%), Malaysia (26,6%), Indonesia (69,1%).

Bốn là, nhìn chung LTT ở nhiều nước có xu hướng tiếp cận với chuẩn nghèo. Hiện tại LTT ở Việt Nam đang bỏ xa chuẩn nghèo mà tiếp cận với lương bình quân (bằng khoảng 70% lương bình quân của người lao động đi làm đủ thời gian tại mỗi vùng). Nếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì mức LTT tại Việt Nam cao gần bằng lương bình quân và đây là điều không hợp lý. Tỷ lệ LTT trên lương bình quân của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cao nhất là 50-51%.

Năm là, theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu xác định LTT căn cứ vào giỏ hàng hóa LTTP, phi LTTP và người ăn theo, thì nhu cầu của người ăn theo chỉ với hệ số 0,5. Việt Nam tính bằng 0,7, tức là 1.600/2.300 Kcalo, cũng chưa hợp lý, nhất là trong 45 mặt hàng để tính ra 2.300 Kcalo có cả bia, rượu, thuốc lá, cà phê... Nhiều chuyên gia tại một số hội thảo quốc tế cũng cho rằng không nên đưa những mặt hàng này vào tính LTT.

(1) Tiền lương trung bình (khác với lương bình quân) là mức lương nằm ở ranh giới giữa 50% số người hưởng lương cao hơn và 50% số người hưởng lương thấp hơn trong tổng số người lao động (NLĐ) làm việc đủ thời gian. Tỷ lệ LTT trên mức lương trung bình thường cao hơn tỷ lệ LTT trên lương bình quân từ 5-10% tùy theo mỗi nước (xem: Dr. Thorsten Schulten: Lương tối thiểu - Kinh nghiệm quốc tế)

(2) Vitas tổng hợp từ Emergingtextiles

T.S Trương Văn Cẩm
(Theo TBKTSG) 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.817
Khách
: 1.144
 
Tiền lương tối thiểu ở một số quốc gia - kinh nghiệm cho Việt Nam Rating: 5 out of 10 101089.
Core Version: 1.8.0.0