Vinatex chính thức chào sàn UPCoM ngày 3/1/2017
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ, đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, Vinatex chính thức bước vào chặng đường kinh doanh theo các quy chuẩn minh bạch.
Là doanh nghiệp có tiềm năng và sức hút không nhỏ với nhà đầu tư nước ngoài, ông Trường tin tưởng, việc Vinatex lên giao dịch trên sàn UPCoM sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia sở hữu doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh hơn trước các biến động khó lường của kinh tế quốc tế.
Theo cơ cấu của VGT hiện nay, Bộ Công thương đang là cổ đông lớn nhất với hơn 267,43 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương tỷ lệ sở hữu 53,49%.
Tiếp đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 14%, Tập đoàn Vingroup sở hữu 10% và cá nhân ông Bùi Mạnh Hưng sở hữu 6%.
Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông vào tháng 7/2016, Vinatex có 30 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm 11,01% vốn điều lệ.
Kết thúc năm 2016, giá trị sản xuất của Vinatex là 37.757 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.477 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2015.
Tổng doanh thu ước đạt 40.563 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế (không tính đơn vị phụ thuộc) đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Theo bản Báo cáo bạch của VGT, tập đoàn đã thực hiện đầu tư 41 dự án, với tổng mức đầu tư 5.523,7 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án sợi, với tổng mức đầu tư 2.048,3 tỷ đồng; 9 dự án dệt nhuộm với mức đầu tư 1.399,5 tỷ đồng; 17 dự án may 1.824,7 tỷ đồng; 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị với số tiền 251,2 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 03/01/2017, VGT tăng 28,15%, lên 17.300 đồng với 336.300 cổ phiếu được chuyển nhượng, có lúc cổ phiếu này đã lên mức giá trần 18.900 đồng/cổ phiếu lúc đầu phiên.
Theo: tinnhanhchungkhoan