Trong khuôn khổ của dự án hợp tác giữa Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và các đối tác gồm có Bộ Công thương (MOIT), Bộ Lao động (MOLISA), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) và Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam (LEFASO), ngày 12/12/2017 IDH đã tổ chức cuộc họp lần 2 – nhóm hợp tác công tư, chương trình “Vươn tới đỉnh cao” tại phòng B205, Bộ Công thương.
Chương trình Vươn tới Đỉnh cao (RttT) là một sáng kiến được thống nhất trong khuôn khổ Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (3GF), các đối tác như Chính phủ Hà Lan và Đan Mạch, các công ty đa quốc gia (GAP, NIKE, Marks & Spencer, Levi Strauss & Co), các tổ chức quốc tế (Sustainable Apparel Coalition, IDH), Better Work và doanh nghiệp sản xuất (SAITEX). Chương trình hoạt động tự nguyện nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại có trách nhiệm với các mặt hàng dệt may và da giày, đồng thời hướng tới phát triển ngành Dệt may và Da giày thông qua đẩy mạnh áp dụng các thực hành sản xuất bền vững toàn cầu với thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. RttT gồm 04 nhóm công tác được định hướng các lĩnh vực phụ trách với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững về mặt xã hội và môi trường của ngành dệt may và da giầy.
Hợp tác Công – Tư này sẽ phối hợp nguồn lực của các thành viên nhằm cải thiện sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động nguy hại tới môi trường và cải thiện năng suất người lao động, tăng cường đối thoại lao động. Thông qua các sáng kiến được thử nghiệm tại nhà máy, kinh nghiệm triển khai hoạt động sản xuất dệt may và da giày của các công ty và yêu cầu của thị trường, các thành viên sẽ đóng góp và chia sẻ thông tin vào quá trình xây dựng các đề xuất chính sách, chiến lược, quy hoạch liên quan đến phát triển ngành Dệt may và Da giày. Các thành viên có vai trò và trách nhiệm bố trí nguồn lực nhân rộng các mô hình, sáng kiến triển khai bởi RttT; thống nhất đẩy mạnh hoạt động thu hút và khuyến khích đầu tư tài chính vào các dự án cải thiện hiệu suất và xây dựng/vận hành nhà máy sản xuất bền vững.
Tham dự buổi họp có bà Trương Thị Thu Hà – Phó cục trưởng, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc quốc gia IDH Việt Nam và các đại diện đến từ MOLISA, MONRE, VITAS và LEFASO.
Trong cuộc họp, đại diện IDH Việt Nam đã trình bày tiến độ thực hiện chương trình “Vươn tới đỉnh cao”, đã thăm quan và đi đánh giá được một số nhà máy thông qua nhãn hàng GAP. Các doanh nghiệp được ghi nhận là có những thay đổi tích cực sau đánh giá.
Đại diện từ MOIT, bà Trương Thị Thu Hà cũng chia sẻ và mong muốn các hoạt động của dự án sẽ sớm được triển khai nhiều hơn và có những tiến bộ hơn so với những hoạt động đã thực hiện trước đó. IDH Việt Nam cũng thông tin rằng sẽ chi trả 50% vốn thực hiện các chương trình và 50% còn lại là do các đối tác của dự án góp vốn. Tuy nhiên cũng cần ghi nhận thực tế DN đang đóng góp bằng việc sắp xếp cắt cử nhân sự, công nhân tham gia vào các hoạt động, chi phí đưa đón và chuẩn bị ăn trưa cho tư vấn, IDH, nhãn hàng. Việc này nên duy trì để đảm bảo sự cam kết của nhà máy.
Bà Hoàng Ngọc Ánh – Phó Tổng thư ký VITAS chia sẻ về kế hoạch hợp tác và hỗ trợ chương trình Vươn tới đỉnh cao của Hiệp Hội, VITAS đang chốt KH hoạt động 2018 với IDH. Bà Ánh cũng chia sẻ rằng hợp tác với IDH trong chương trình RttT cũng là một hướng quan trọng. Bà Ánh đề nghị việc tang cường hợp tác với các dự án khác liên quan. Trong Tháng 9, IDH đã tham gia và trình bày tại hội thảo VLEEP do VITAS tổ chức, tháng 11 VITAS đã đến chia sẻ tại hội thảo về tối ưu hóa năng lượng và môi trường do IDH tổ chức tại TP HCMC, cho thấy sự hợp tác chia sẻ này rất có ý nghĩa với hai bên.
Cuối buổi họp, phía IDH và các đại biểu tham dự đã thảo luận về các hoạt động trong thời gian tới, sẽ họp thường xuyên 1 năm 2 lần để báo cáo kịp thời tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình.