Ngay trước đó, bà Liu Mei Teh đã được Thủ tướng tiếp riêng, một sự kiện chưa từng có tiền lệ của các kỳ VBF. Trong cuộc gặp đặc biệt này, Thủ tướng đã hứa giữ an ninh, an toàn cho các nhà đầu tư, và cam kết giúp các doanh nghiệp Đài Loan sớm sản xuất trở lại. Bà kể: “Thủ tướng cam kết điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Ông ấy đã luôn nhấn mạnh điều này, làm chúng tôi thêm tin tưởng khi đầu tư ở Việt Nam”. Phần lớn các chủ doanh nghiệp, những người đã ngay lập tức bay về Đài Loan sau sự kiện 13/5 tại Bình Dương đã quay trở lại. Theo bà, “họ hầu hết đã quay trở lại Việt Nam vì muốn nhà máy hoạt động sớm trở lại”.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Tại phiên đối thoại với Chính phủ, bà Liu nói: “Chúng tôi cảm ơn Thủ tướng và các vị lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam. Doanh nghiệp Đài Loan đã có những tổn thất trong vụ việc vừa qua nhưng Thủ tướng và các vị lãnh đạo đã cho thấy sự quyết tâm có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp thiệt hại... Phòng Thương mại Đài Loan rất muốn Việt Nam thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân nhà đầu tư lâu dài”. Những lời lẽ của bà Liu cho thấy, giới đầu tư Đài Loan đã cảm thấy bình tâm trở lại.
Nhưng đó là gần đây. Hơn hai tuần trước đó, ngày 19/5 trong cuộc gặp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội, bà Liu và các thành viên hiệp hội, mặt còn tái nhợt khi nhắc lại những gì họ đã trải qua. Trong cuộc gặp với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, bà Liu, với nước mắt lưng tròng kể lại những đóng góp của các doanh nghiệp Đài Loan, những người đến đây sớm nhất, và tạo nhiều công ăn việc làm nhất. Với khuôn mặt thất thần, bà đặt câu hỏi: “Nhưng hôm nay điều chúng tôi nhận được ở Việt Nam là những gì? Ngoài nhà xưởng thiệt hại, có những nhà xưởng bị phá hủy hoàn toàn, còn là sự tổn thất tinh thần nghiêm trọng, nhất là sự lo lắng của các doanh nhân và người thân của họ.
Đối với doanh nhân Lý Quốc Long, đêm 13/5 là thời khắc không thể nào quên. Những cuộc tuần hành đầu giờ chiều của công nhân nhanh chóng biến thành bạo lực. Ông Long, trưởng chi nhánh miền Bắc thuộc Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, có nhà máy sản xuất nhôm tại Bình Dương kể lại, khi hàng ngàn người xô cổng xông vào, 18 người nước ngoài trong nhà máy đã chui vào được một nhà kho nhỏ, khóa trái cửa. May mắn, họ đã không bị phát hiện. May mắn hơn, ông kể, một bình gas quy mô khổng lồ cạnh đó, đã không phát nổ. Họ đã giữ được sinh mạng, nhưng cả công ty 10 triệu đô la Mỹ không còn. “Nhà máy của tôi qua một đêm đã bị phá hủy. Các nguyên vật liệu sản xuất bị cướp, khiêng đi”, ông Long mếu máo kể lại. Các doanh nghiệp Đài Loan vừa tặng tỉnh hai xe cứu hỏa trước đó.
Báo cáo tổng kết năm tháng đầu năm của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, ước tính có hơn 844 doanh nghiệp bị thiệt hại trong sự cố ngày 13/5 vừa qua, trong đó khoảng một nửa là nằm trong các khu công nghiệp. Đó là con số đáng kể, nếu so với tổng số 2.300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh này. Đó là tổn thất chưa từng có kể từ khi dòng vốn FDI đầu tiên đổ vào sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.
Ngày 15/5, Thủ tướng đã ngay lập tức gửi công điện về đảm bảo an ninh trật tự đến tất cả các địa phương. Cũng trong ngày hôm đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sau khi họp đến nửa đêm trước đó, đã gửi thư đến các sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khẳng định Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản khẩn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, các ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ đạo việc xử lý rất cụ thể, quyết liệt để sớm ổn định tình hình, bảo vệ an toàn tài sản cũng như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tại VBF, ông Vinh cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã ra sáu văn bản chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ ngành như tài chính, bảo hiểm, lao động, công thương, Ngân hàng Nhà nước, ngoại giao, đầu tư, công an và ủy ban nhân dân các địa phương cũng có biện pháp và chỉ đạo quyết liệt theo tinh thần này. 113 doanh nghiệp FDI ở Bình Dương đã nhận được hỗ trợ tài chính đầu tiên.
Lần đầu tiên tham dự VBF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết: “Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài công tác, học tập, sinh sống tại Việt Nam. Hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện quyết tâm này”. Ông khẳng định sẽ không có tình trạng của một số người manh động như vừa qua, làm phiền lòng các nhà đầu tư. Ông cam kết, Chính phủ cũng đã có biện pháp hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời… “Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất kinh doanh bình thường”, Thủ tướng nói.
Được hỏi, tâm trạng của bà giờ thế nào so với cách đây mấy tuần, nhất là sau khi nghe thông điệp từ Thủ tướng, bà Liu cười đáp: “Vâng, tâm trạng tôi đã tốt hơn nhiều, vì lúc đó chúng tôi mới trải qua biến cố.
Chúng tôi đã từng nghĩ không ai quan tâm đến chúng tôi lúc đó. Nhưng sau hai tuần, chúng tôi thấy Chính phủ thực sự muốn hợp tác với chúng tôi, vì thế, chúng tôi có thêm niềm tin”. Được hỏi, bà sẽ nói gì với các thành viên hiệp hội của mình, bà Liu đáp: “Tôi sẽ nói là Chính phủ Việt Nam thực sự muốn hợp tác với chúng ta, cam kết các khoản đầu tư của chúng ta ở Việt Nam được đảm bảo an toàn, và chúng ta sẽ phát triển”.
Theo Thời báo kinh tế Sài gòn