Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành, cùng đại diện Ban Thông tin và Truyền thông Tập đoàn chủ trì buổi họp báo, chính thức đưa thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dệt May và Vinatex tới hơn 40 cơ quan thông tấn báo chí.
Những con số ấn tượng
Chia sẻ về tình hình xuất khẩu của ngành Dệt May trong năm 2018, ông Cao Hữu Hiếu cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới 2018 có nhiều biến động, với xung đột chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 vẫn cao hơn dự kiến và ước đạt 36,164 tỷ USD, tăng 16,36% so với năm 2017, nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 266,32 tỷ USD và 36,43 tỷ USD.
Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 2018 tăng hơn 5 tỷ USD so với năm 2018 là “đột biến”. Nhu cầu về mặt hàng dệt may trên thế giới năm 2018 không có nhiều biến động, nhưng Việt Nam vẫn vượt Bangladesh và theo sát Ấn Độ để cán mốc xuất khẩu 36,164 tỷ USD là con số tương đối ấn tượng của toàn ngành trong năm 2018.
Lý giải về điều này, ông Hiếu cho biết có 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, đó là dòng dịch chuyển từ khu vực sản xuất rất lớn là Trung Quốc sang các khu vực lân cận và Việt Nam được hưởng lợi từ dòng dịch chuyển đó. Bên cạnh đó, sau một thời gian các hãng phát triển ở những thị trường mới như Bangladesh hay Pakistan đã nhận ra được chất lượng của các đơn hàng, sản phẩm không được như ở thị trường Việt Nam, chính vì vậy các DN dệt may Việt Nam đã có thêm được những đơn hàng mới trong năm 2018.
Về nguyên nhân chủ quan, đó là các DN dệt may vừa và lớn ở Việt Nam ngày càng đáp ứng được các tiêu chí từ đối tác, gần như tất cả các doanh nghiệp lớn và vừa có các loại chứng chỉ đánh giá của các hãng, như SA, môi trường, Green Label… Thậm chí, khắc phục được tình trạng làm thêm giờ, đảm bảo được định mức giờ làm cho người lao động.
Từ hai nguyên nhân đó, đã giúp cho ngành Dệt May Việt Nam vượt kế hoạch xuất khẩu đề ra trong năm 2018, và có được mức tăng trưởng tương đối ấn tượng.
Vinatex tập trung phát triển chiều sâu
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, với những kết quả ấn tượng của ngành Dệt May, tình hình SXKD của Tập đoàn đã có những kết quả khả quan. Cụ thể:
Giá trị sản xuất công nghiệp: trong năm 2018 ước đạt 46.100 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm 2018, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu tính đủ: ước đạt 3.050 triệu USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng doanh thu: ước đạt 48.658,2 tỷ đồng bằng 100,8% kế hoạch năm 2018, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Lợi nhuận trước thuế: ước đạt 1.532,9 tỷ đồng bằng 116,4% kế hoạch năm 2018, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Hiếu, năm 2018 Vinatex thay vì đầu tư thêm các dự án mới để mở rộng quy mô, Tập đoàn đã tập trung đầu tư chiều sâu, chú trọng đến việc tự động hóa, nâng cao năng suất lao động… Mặc dù những tháng cuối năm, ngành Sợi của nước ta nhìn chung có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng các đơn vị thành viên của Tập đoàn vẫn có kết quả tương đối tốt, thậm chí đã có đơn hàng đến nửa năm 2019. Trong khi đó, các dự án Tập đoàn đầu tư từ những năm trước bắt đầu báo lãi sau khoảng thời gian lỗ kế hoạch như: Nhà máy sợi Phú Cường, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, Nhà máy sợi Phú Hưng…
Các đơn vị thành viên của Tập đoàn như: May 10, Việt Tiến đã đầu tư vào đổi mới công nghệ, thay thế các thiết bị máy móc cũ để tăng năng suất, cũng như đảm bảo chất lượng đồng đều cho các sản phẩm. Nếu như ngành Sợi, Dệt có tốc độ tự động hóa cao, thì nay ngành May cũng được Tập đoàn chú trọng trong việc đầu tư mới. Điều này giúp cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn nâng cao năng lực, cũng như nằm trong top 5 lựa chọn của đối tác.
Những dự báo trong năm 2019
Năm 2019 dự báo nhu cầu sẽ thấp hơn, thậm chí xu thế thắt chặt dòng tiền sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia hơn. Do đó tổng cầu thị trường dệt may sẽ không khả quan so với các năm trước đó. Thậm chí, các DN đã đưa ra phương án ứng phó khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang.
Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt May Việt Nam với những bước chuẩn bị của mình, đã có những dự đoán và có kế hoạch cho việc SXKD trong năm 2019. Cụ thể, Vinatex đưa ra những mục tiêu cho năm 2019 như sau:
- Giá trị SXCN: dự kiến tăng 5% so với năm 2018;
- KNXK: dự kiến tăng 6% – 8% so với năm 2018;
- Doanh thu: dự kiến tăng 5% – 7% so với năm 2018;
- Lợi nhuận: phấn đấu tăng 12% so với năm 2018;
- Mức lương bình quân: 8 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn Vinatex.