“Ngay từ lúc này doanh nghiệp (DN) cần xem xét tìm kiếm nguồn cung trong các nước tham gia TPP (Hiệp định Thương mại đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương) để có thể hưởng ưu đãi khi TPP chính thức được ký kết”.
Đó là ý kiến của ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tại buổi hội thảo “Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trước thềm TPP: Triển vọng và thách thức” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18-11.
Nếu nguồn cung ở các nước quá xa như Mexico hay Hoa Kỳ, chi phí vận chuyển lớn sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngay bây giờ DN nên trau dồi tiếng Anh để nắm vững luật lệ quốc tế.
Ông Trần Bá Cường cho rằng thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia TPP là trình độ lao động và các tiêu chuẩn khắt khe về lao động; các vụ kiện hoặc nguy cơ bị kiện về thương mại; chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Marybeth Turner, chuyên viên kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho biết TPP được ký kết là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường, nhất là khi 100% dòng thuế sẽ giảm xuống 0%. Nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn, tăng cường khả năng tiếp cận hàng hóa, mặt hàng mới. TPP ký kết thì xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỉ USD vào năm 2025, đồng thời Việt Nam có thêm 28 tỉ USD từ thu hút đầu tư nước ngoài. Các mặt hàng sẽ được hưởng lợi lớn như thủy sản đóng hộp đang chịu mức thuế 35% hay mặt hàng trái cây, nông sản thuế 30%-130% sẽ giảm về 0%.
Tuy nhiên, theo bà Marybeth Turner, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn với các DN Việt Nam. Da giày, dệt may là mặt hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ nhưng muốn được hưởng ưu đãi thuế thì phải đáp ứng yêu cầu là sợi phải xuất xứ từ các nước trong TPP.
Nguồn: Cafef