Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên điều hành VIAC (Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam).
TCCT: Từng có thời gian cố vấn cho Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Xin ông cho ý kiến về sự cần thiết của việc ban hành một quy hoạch cho ngành Dệt may và Da giày trong giai đoạn mới, với tầm nhìn mới?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Ngành Dệt may ở nước ta là một ngành đã giải quyết được nhiều công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo trên quy mô rộng, triển khai hiệu quả ở ngay những vùng khó khăn của đất nước. Bên cạnh đó, nếu làm tốt, thì trong chiến lược phát triển kinh tế nước ta, ngành Dệt may sẽ trở thành một ngành càng ngày càng có tỷ lệ nội địa hoá cao, thay đổi cơ bản quan điểm cho rằng nước ta đơn thuần chỉ làm gia công.
Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, đội ngũ lao động của chúng ta còn đông, giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng hàng đầu, trong lúc các ngành công nghệ chưa du nhập, thu hút được đầu tư thì việc thu hút hàng triệu lao động gia công cho ngành Dệt may cũng là việc làm phù hợp. Với 3 yếu tố trên thì trong thời gian tới, chúng ta vẫn cần đặc biệt chú ý đến ngành Dệt may.
Xét về định hướng phát triển của đất nước, với tư cách là ngành thu hút đến hàng triệu lao động, đóng góp vào GDP, đặc biệt là đóng góp vào xuất khẩu, giải quyết vấn đề nội tại của đất nước thì ngành Dệt May đã có vai trò tương đối lớn, có tỷ trọng cao trong nền kinh tế thì cần phải có một chiến lược để ngành phát triển. Sau Đại hội Đảng, chúng ta đã xác định 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược thì không thể tách rời một ngành cần được quan tâm này trong chiến lược phát triển chung của đất nước. Bởi có chiến lược mới đặt ngành trong tổng thể định hướng phát triển của đất nước, trong mối tương quan với các ngành khác và đặt trong những chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi của quốc gia, giải quyết vấn đề hội nhập quốc tế, vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế.
Ở khía cạnh hội nhập, cùng với đó da giày, linh kiện điện tử, ngành Dệt may là một trong những ngành hội nhập sớm, tương đối sâu, rộng. Vì thế, nếu không đặt ngành Dệt may trong mối quan hệ, nhiệm vụ chiến lược như trên thì không hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong chuỗi giá trị toàn cầu.
TCCT: Là chuyên gia pháp chế có thâm niên nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp, ông có góp ý gì để hoàn thiện dự thảo Chiến lược, giúp ngành Công nghiệp Dệt may - Da Giày tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Trước hết, cần đặt chiến lược ngành trong tương quan Việt Nam hội nhập, chuyển đổi nền kinh tế, chuỗi giá trị, giá trị toàn cầu, cách mạng công nghệ và trên tinh thần phát huy một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đặt trong bối cảnh đó, chúng ta mới làm rõ những nội dung cơ bản của chiến lược ngành Dệt may và Da giày
Thực tế, không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề xây dựng Chiến lược mà cách đây khoảng 30 năm chúng ta đã có chiến lược cho ngành Dệt may. Bởi vậy, bên cạnh đặt trong bối cảnh trên thì không thể tách rời việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích những thành công và thất bại của ngành Dệt may trong 30 năm qua thì Chiến lược mới có sức sống trong thực tế.
Tôi thấy nhiều ý tưởng trong dự thảo Chiến lược lần này gần giống trước đây. Trong đó, trọng tâm của ngành là làm thế nào để nội địa hoá (hàm lượng Việt Nam) phải cao lên, nhưng băn khoăn ở chỗ 30 năm trước đã đặt ra mục tiêu là 50-70% mà sau 30 năm lại chỉ đặt ra đạt khoảng 40-50%.
Thời tôi còn làm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, các nước phát triển cho mình giấy chứng nhận xuất xứ form A (là form của những nước phát triển cho những nước đang phát triển và chậm phát triển được hưởng ưu đãi về thuế gần như bằng 0%) và dệt may là một trong những lĩnh vực được hưởng ưu đãi này.
Theo nguyên tắc xuất xứ form A là phải có gia công 2 lần vải sản xuất tại Việt Nam, từ đó đặt ra vấn đề phải dệt, phải nhuộm, xây dựng khu công nghiệp dệt nhuộm và Nhà nước đã có định hướng khai thác để được hưởng thuế, tăng tính cạnh tranh và đã kêu gọi đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Cùng với nội địa hoá, các vấn đề như mẫu mã, nhãn hiệu, thiết kế cũng cần hết sức quan tâm. Hiện nay, một số hãng của nước ta nhờ làm gia công đã phát triển lên, thị trường nội địa đã đa dạng hơn.
Bài học rút ra là không phải chúng ta không có tầm nhìn mà không biến được tầm nhìn đó thành hiện thực và đề ra nhiều định hướng nhưng biện pháp không có, nhiệm vụ thì nói chung chung nhưng hỏi đến ai làm việc đó thì không có ai làm và rất ít người chịu làm. Tới đây, cần định rõ nguồn lực ở đâu, ai làm, vốn ở đâu, ai làm, phân công từng vai một, kế hoạch hành động phải hết sức cụ thể.
Thứ nữa là phải có giám sát, có phát triển, có nhìn nhận vấn đề. Hiện nay, Vitas là một hiệp hội tương đối mạnh nên lần này các chủ thể có liên quan cần có trách nhiệm cùng xây dựng Chiến lược. Chiến lược cho ngành công nghiệp Dệt may và Da giấy phải đặt trong bối cảnh quốc tế là “bay cùng đàn sếu” theo nguyên lý rằng khi đã hội nhập thì xuất phát điểm có thể bay sau cùng nhưng trong quá trình bay anh phải vươn lên thứ nhất.
Đặc biệt, với các Hiệp định EVFTA, CPTPP thì bông sợi hay nguyên liệu, phụ liệu bông từ các nước về làm sợi, bắt đầu dệt nhuộm tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta gần như về 0 nên phải lấy hàng một số nước khác mà những nước này không được ưu đãi về thuế trong khi các Hiệp định đã mở cửa cho ngành Dệt May.
Muốn xử lý vấn đề thì khâu dệt nhuộm phải giải quyết dứt điểm, đề ra thời hạn sau bao lâu làm được. Ở đây chúng ta không phải hy sinh môi trường vì bây giờ công nghệ phát triển phải nhập công nghệ tiên tiến. Nếu 1 doanh nghiệp không làm được thì các doanh nghiệp phải hợp lại thành tập đoàn dệt nhuộm. Chuyện ăn xổi ở thì, không ai chịu trách nhiệm cần chấm dứt, cần đẩy nhanh đầu tư vào dệt nhuộm để 20 năm sau thu lại lợi nhuận.
Ngoài một số mặt hàng có thương hiệu, tên tuổi thì những ngành phụ trợ cho dệt may như cúc, khoá… mà sản xuất được thì phải sản xuất gấp, cố gắng để khai thác.
Điều quan trọng nữa là thiết kế một số nhãn mang tên tuổi Việt Nam, dứt khoát không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước. Chúng ta đã có May 10, Thắng Lợi, An Phước, Nhà Bè, Việt Tiến... thì phải coi đây phong trào để chiếm lĩnh thị trường nội địa, giành được thị phần của mình trong nước, tăng cạnh tranh với nước ngoài.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Công Thương.