DWS là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Südwolle (Cộng hòa Liên bang Đức) và Công ty CP. Dệt May Liên Phương (Việt Nam) và là một trong những nhà máy kéo sợi len chải kỹ hiện đại nhất trên thế giới. Được khởi công xây dựng trên tổng diện tích hơn 32.000m2, tại Cụm Công nghiệp Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; DWS bắt đầu sản xuất từ năm 2019. Do thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên sau 4 năm đi vào sản xuất, đến hôm nay Công ty mới tổ chức khai trương và đồng thời giới thiệu những giải pháp về sản xuất bền vững và sản phẩm chất lượng cao của nhà máy.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS – Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Kéo Sợi Len lông cừu thuộc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (DWS)
Hoan nghênh và đánh giá cao việc tập đoàn Südwolle đã đầu tư xây dựng nhà máy Kéo Sợi Len lông cừu; Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho rằng nhà máy được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn Châu Âu, với công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của ngành dệt may. Sản phẩm sợi len cừu từ nhà máy sẽ được cung cấp cho các công ty trong ngành để dệt vải và may hoặc đan những sản phẩm thời trang len cao cấp. Việc nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần bổ sung nguồn cung thiếu hụt trong ngành dệt may tại Việt Nam; đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (Yarn forwards) trong hiệp định thương mại tự do CPTPP; đồng thời đây cũng là hình mẫu về quản lý, vận hành một nhà máy hiện đại. Tọa lạc TP. Đà Lạt, nhà máy sẽ đóng góp vào ngân sách của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực cũng như góp phần vào chuyển đổi cơ cấu công - nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng Tập đoàn Südwolle chính thức khánh thành nhà máy sau 4 năm hoạt động. Theo Ông Phạm S, DWS đã nhanh chóng khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Trong 4 năm, DWS đã thực hiện nộp ngân sách 9 triệu USD, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức đãi ngộ tốt, tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam. Ông Phạm S mong muốn Tập đoàn Südwolle sẽ tiếp tục gắn bó, mở rộng sản xuất tại Lâm Đồng cũng như các điạ phương khác, cùng cộng đồng chú trọng tới phát triển xanh, bền vững.
DWS có thể cung cấp sợi nhuộm và sợi tự nhiên chải kỹ từ 100% len Merino và hỗn hợp len, được sử dụng nhiều trong các sản phẩm dệt thoi, dệt kim, vớ và sợi kỹ thuật. Công suất thiết kế dự kiến của nhà máy đạt khoảng 4.000 tấn sợi/năm. Năng lực sản xuất hiện tại của DWS là 45 tấn/tuần với 14.400 cọc sợi. DWS dự kiến sẽ đạt doanh thu hơn 100 triệu USD/năm. Theo tính toán, 50% sợi len lông cừu thành phẩm được xuất khẩu bán ra thế giới, số còn lại phục cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Công ty dự kiến tăng công suất lên 70 tấn/tuần với việc lắp đặt thêm 7.200 cọc sợi.
Cũng trong khuôn khổ lễ khánh thành, ngày 26/05/2023, DWS đã tổ chức giới thiệu Dự án nhà máy Nhuộm Sợi Len tại khu công nghiệp Du Long, tỉnh Ninh Thuận để từng bước hoàn thiện Chuỗi cung ứng sợi len lông cừu tại Việt Nam. Đây cũng sẽ là một trong những cơ sở hiện đại nhất trong ngành. Sau khi hoàn thành nhà máy sẽ sản xuất sợi len được nhuộm màu với chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhà máy Nhuộm sợi len sẽ sử dụng năng lượng tái tạo từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời và điện gió dồi dào trong tỉnh.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS – tại Lễ giới thiệu Dự án nhà máy Nhuộm Sợi Len tại khu công nghiệp Du Long, tỉnh Ninh Thuận
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Để được hưởng thuế suất ưu đãi từ các hiệp định này, Việt Nam phải chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng dệt may; nhưng thách thức nằm ở chỗ các hiệp định này có những quy định về xuất xứ hàng hóa rất chặt chẽ. Nếu sợi, vải không được sản xuất từ các nước thành viên CPTPP, EVFTA, thì doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, khâu dệt, nhuộm hoàn tất đang là nút thắt cổ chai trong sản xuất dệt may của Việt Nam. Dự án đầu tư nhà máy Nhuộm sẽ góp phần cải thiện điểm nghẽn này. Đồng thời, những kinh nghiệm quản lý và trình độ công nghệ tiên tiến của một doanh nghiệp Châu Âu, cộng với nguồn lao động cần cù và cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu rộng mở của Việt Nam sẽ là sự kết hợp rất hiệu quả. Ông Giang mong rằng càng ngày sẽ càng có nhiều hơn các tập đoàn nước ngoài đầu tư chuỗi như Südwolle tại Việt Nam. Việc đầu tư này sẽ là một trong những giải pháp đáp ứng những yêu cầu và mục tiêu phát triển trong Chiến lược phát triển ngành dệt may – da giày mà Chính phủ đã đề ra từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.
Được biết, Südwolle là Tập đoàn sản xuất hàng đầu về sợi lông cừu tự nhiên. Được thành lập từ năm 1966, Südwolle có các cơ sở sản xuất và kho hàng tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổng công suất của tập đoàn là 26.050 tấn/năm đối với kéo sợi dài và 6.000 tấn/năm đối với sợi khí nén. Ngoài ra, Tập đoàn có hai nhà máy nhuộm tại Trung Quốc và Đức với tổng công suất nhuộm là 11.000 tấn/năm và công suất xử lý len là 6.900 tấn/năm. Tập đoàn Südwolle sử dụng hơn 3.200 nhân sự ở các cơ sở sản xuất và văn phòng bán hàng trên toàn thế giới, bao gồm Hồng Kông, New Zealand, Nam Phi và Hoa Kỳ.
Ông Klaus Steger - Chủ tịch Tập đoàn Südwolle
Südwolle cam kết trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thúc đẩy các giải pháp bền vững và minh bạch trong ngành. Tập đoàn cung cấp tất cả các tiêu chuẩn sinh thái bao gồm ZDHC, Bluesign®, OEKO-TEX và các chứng nhận truy xuất nguồn gốc như GOTS, IVN Best, GRS, RWS. Ngoài ra, Südwolle còn cung cấp các mô hình chuỗi cung ứng cụ thể để nâng cao tính minh bạch trong toàn ngành. Đây không chỉ là đơn vị sản xuất sợi mà còn là đối tác và nhà cung cấp dịch vụ. Südwolle đặt mục tiêu kết nối chuỗi cung ứng, truyền cảm hứng và tạo cơ hội chia sẻ ý tưởng, sản phẩm và công nghệ mới theo hướng bền vững. Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (DWS) cũng là một trong những hình mẫu về hợp tác liên doanh giữa doanh nghiệp của Đức và Việt Nam.
Ô. Lê Thanh Liêm - TGĐ Cty CP. Dệt May Liên Phương
Ô. Phan Tấn Cảnh - Phó CT UBND Tỉnh Ninh Thuận