Ngày 16/4 tại TP.HCM, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Bộ Công - Nông nghiệp Mông Cổ tổ chức hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ về lĩnh vực dệt may – da giày.
Ông Nguyễn Bình An, Phó trưởng Văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nay ngành dệt may Việt Nam đạt tăng trưởng bình quân từ 15% đến 20%/năm, năng lực sản xuất đạt 3 tỷ sản phẩm và sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có những chính sách tích cực dành cho ngành dệt may nhằm tăng sự chủ động trong hội nhập và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư dệt may trên toàn cầu. Do đó, trong quá trình hình thành chuỗi cung ứng gồm kéo sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may, ngành dệt may Việt Nam rất cần sự tham gia, hợp tác của các quốc gia có tiềm năng về nguồn nguyên vật liệu, trong đó có Mông Cổ.
Bà Regzedmaa Sandag, Phó Cục trưởng Cục Thực thi chính sách Công nghiệp nhẹ Bộ Công-Nông nghiệp Mông Cổ cho biết, Mông Cổ có ngành nông nghiệp phát triển với đàn gia súc lớn 45,1 triệu con gồm ngựa, dê, cừu, lạc đà, bò… có thể cung ứng nguồn nguyên liệu da sống cho ngành thuộc da cung ứng cho ngành da giày, bên cạnh đó nguồn lông chất lượng tốt làm nguyên liệu cho ngành kéo sợi đáp ứng nguyên liệu cho ngành dệt sợi len. Thế mạnh của doanh nghiệp Mông Cổ là gia công các loại da thuộc, da sống, sợi, vải, gỗ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét cơ hội đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Mông Cổ, bởi Mông Cổ đang trong tiến trình hình thành khu công nghiệp chuyên ngành cho dệt may. “Việt Nam có công nghệ, kỹ thuật trong khi Mông Cổ có nguồn nguyên liệu. Do vậy, doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác với nhau tốt để khai thác cơ hội”- bà Regzedmaa Sandag khẳng định.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm 2013, kim ngạch mậu dịch giữa TP.HCM và Mông Cổ đạt hơn 3 triệu USD, đặc biệt quý I xuất khẩu của thành phố sang nước này đạt gần 500 ngàn USD.
Ông Trần Xuân Điền, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, triển vọng hợp tác thương mại, đặc biệt là ngành dệt may giữa TP.HCM và Mông Cổ rất lớn.
Ngành dệt may thành phố có nhiều thế mạnh gồm lao động, năng lực sản xuất và tiềm năng thị trường. Ngược lại Mông Cổ có lợi thế về nguồn nguyên-vật liệu, chính sách ưu đãi hứa hẹn sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần nỗ lực vượt qua là rào cản ngôn ngữ, địa lý để nắm bắt cơ hội hợp tác, khơi thông khâu vận chuyển hàng hóa, giao dịch thương mại.
Nguồn: Báo Hải quan