Sáng 12/4, tại Hà Nội, tiếp tục phiên họp mở rộng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đầu tư sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Đây là 1 trong 3 dự án luật được phiên họp lần này thẩm tra sơ bộ.
Tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, tên gọi của dự án luật nên sửa thành Luật Đầu tư kinh doanh để phân biệt với Luật Đầu tư công; cần bổ sung nội dung về khu kinh tế đặc biệt và ban quản lý khu công nghiệp…
Một trong những khó khăn hiện nay dẫn đến dự án luật này vẫn có những khoảng trống là, trong thời điểm soạn thảo dự án Luật Đầu tư sửa đổi thì 2 dự án luật: đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước được hình thành nên đã chi phối phạm vi hoạt động của dự án luật đầu tư sửa đổi. Mặc dù đây vẫn là luật khung, nhưng chỉ quy định các hoạt động đầu tư trong nước và của người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, lại đòi hỏi cần phải bổ sung những quy định để phù hợp với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khi đó, việc đàm phán Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương chưa xong nên chưa thể đưa vào dự thảo Luật.
Về thủ tục đầu tư, có ý kiến cho rằng, dự thảo luật có những quy định cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó, bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, vẫn nên duy trì cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tổ chức đăng ký qua mạng để giảm phiền hà và đảm bảo quyền lợi sau này của nhà đầu tư, nhất là trong việc huy động vốn. Các quy định về ưu đãi đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đề cập trong dự án luật còn chưa rõ. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và ưu đãi đầu tư cần có sự liên thông với thủ tục thuế để tạo điểu kiện cho các nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh sau này.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đoàn Hà Nội băn khoăn: “Trong dự án luật có một nội dung là nếu các nhà đầu tư có dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch (trường hợp này thì dễ dàng), nhưng có xét đến trường hợp đầu tư chưa được quy hoạch hoặc trái với quy hoạch. Câu hỏi đặt ra là theo Luật Quy hoạch, cứ 5 năm lại xem xét để có thể điều chỉnh nhỏ quy hoạch đó 1 lần. Nếu vào đầu kỳ quy hoạch, nhà đầu tư trình 1dự án đầu tư đã được phê duyệt nhưng trái với quy hoạch đã được phê duyệt thì chắc chắn việc chấp nhận về chủ trương sẽ rất khó khăn”.
Trước đó, ngày 11/4, phiên họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp./.
Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin