Theo đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đưa ra một số ý kiến về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2021 và về thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang ngày 01 tháng 7 hàng năm thay vì ngày 01 tháng 01. Cụ thể:
1) Về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2021
Là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã tham gia các phiên đàm phán, phân tích tình hình kinh tế - xã hội, các yếu tố điều chỉnh mức lương tối thiểu trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và đã tham gia bỏ phiếu phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Hội đồng tiền lương quốc gia đã báo cáo Chính phủ phương án này và đã được Chính phủ chấp thuận.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhưng những tác động của dịch Covid-19 là vô cùng nặng nề. “Sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp như trong phân tích của Dự thảo Báo cáo đang ở mức kém lạc quan nhất và rất mong manh. Riêng ngành dệt may Việt Nam, năm 2020 chỉ đạt 35,06 tỷ USD giảm 9,82% so với năm 2019 (38,9 tỷ USD), chưa bằng mức thực hiện của năm 2018 (36,2 tỷ USD). 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5,9 tỷ USD tăng 7,1% so với cùng kỳ 2020. Nếu tình hình dịch Covid-19 không diễn biến phức tạp thêm, dự kiến cả năm 2021 KNXK toàn ngành đạt khoảng 38 tỷ USD (chưa bằng mức 38,9 tỷ USD của năm 2019).
Trong khi đó theo tính toán của Hội đồng tiền lương quốc gia với dự báo CPI năm 2020 tăng 4% thì mức lương tối thiểu hiện hành đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%. Thực tế CPI năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên mức lương tối thiểu còn cao hơn mức sống tối thiểu tới 2,28%.
Ngoài ra, do tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế, việc tăng tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cũng đã phải lùi thời hạn 1 năm sang giữa năm 2022.
Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giữ nguyên đề xuất phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo việc làm, không sa thải người lao động.
2) Về thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang ngày 01 tháng 7 hàng năm thay vì ngày 01 tháng 01
Hiệp hội Dệt May Việt Nam hoàn toàn nhất trí với với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01 tháng 01 như thực tiễn triển khai điều chỉnh lương tối thiểu trong 20 năm qua tại Việt Nam. Các căn cứ đưa ra dựa vào kinh nghiệm quốc tế, dựa vào thời điểm bắt đầu năm tài chính của Việt Nam từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm… là hoàn toàn xác đáng. Thời điểm này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch sản xuất, tài chính, lao động... của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đồng quan điểm là trong điều kiện có những yếu tố biến động bất thường cần phải thay đổi thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu của một năm nào đó so với thông lệ, đề nghị Chính phủ giao cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
3) Ý kiến khác:
Đề nghị rà soát chỉnh sửa lại một số lỗi đánh máy trong Dự thảo.
Đính kèm: Công văn số 31/2021/VITAS-CS