Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Vitas tham gia cùng 7 hiệp hội khác kiến nghị về 1 số quy định trong dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19"

26/09/2021 02:22 CH
Theo các hiệp hội, nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" vẫn chưa hướng về sống chung với dịch và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế.

8 hiệp hội, gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hội Lương thực, thực phẩm TP HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hội Mỹ nghệ, chế biến gỗ TP HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP, Hiệp hội Nhựa Vệt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam (JCCI).

Theo dự thảo hướng dẫn đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đưa ra ba chỉ số đánh giá thích ứng an toàn Covid-19. Dự thảo hướng dẫn cũng đưa ra 4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Các hiệp hội cho rằng hướng dẫn tại dự thảo chưa tính tới sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước, nên thiếu tính linh hoạt. Nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "zero Covid" chứ chưa hoàn toàn là "sống chung với Covid". Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.

Dự thảo đưa ra quy định trên 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine.Các hiệp hội cho rằng, với tình hình dịch bệnh tại TP HCM hiện nay, nếu áp dụng quy định này vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP HCM sẽ nằm ở nhóm nguy cơ cấp độ 4. Và như vậy phải rất lâu (2-3 tháng nữa) thành phố mới có thể mở cửa kinh tế.


Ngoài ra, dự thảo hướng dẫn vẫn còn nhiều quy định chỉ phù hợp chủ trương "zero Covid", ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Chẳng hạn, quy định cách ly tập trung với F0, F1; chỉ điều trị F0 tại nhà với trường hợp dịch ở cấp 3 và 4; hay ngừng hoạt động trung tâm thương mại và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng cấp 4...

Theo các hiệp hội, những quy định này chỉ nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi. Khi đã sang giai đoạn sống chung với virus, đã tiêm đủ vaccine mà vẫn quy định cách ly tập trung F0, F1 , truy vết... sẽ rất tốn kém, gây quá tải hệ thống y tế.

"Nên bỏ hẳn việc đưa F0 đi cách ly tập trung khi chuyển sang bình thường mới, ngành y tế hướng dẫn cụ thể để F0 điều trị tại nhà, áp dụng thẻ xanh Covid-19", lãnh đạo 8 hiệp hội doanh nghiệp nêu.

Các hiệp hội đều nhấn mạnh quan điểm khi đã tiêm đủ vaccine thì việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ liều hoặc F0 đã khỏi bệnh, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng "là không cần thiết". Nên cho phép những người tiêm đủ vaccine được đi làm, và căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và phòng ICU để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Mặt khác, nếu áp dụng ngay tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vaccine, sẽ có nguy cơ vỡ trận.

Hiện 38 tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch nên chưa phải thực hiện hoặc đã gỡ bỏ Chỉ thị 16, gồm cả Hà Nội. Việc dự thảo đưa ra quy định dưới 20% ca mắc mới trên 100.000 dân một tuần là nhóm nguy cơ thấp khi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp ở các tỉnh, thành phố này, là không phù hợp với tình hình và khả năng kiểm soát dịch hiện tại, sẽ dẫn tới nguy cơ cao vỡ trận như TP HCM.

Đại diện các doanh nghiệp tính toán, với ngưỡng 20 ca trên 100.000 dân một tuần, tương đương mỗi ngày Hà Nội có 230 ca mắc mới (ước tính trên dữ kiện Thủ đô có 8 triệu dân). Đợt dịch thứ tư, Hà Nội có khoảng 50-70 ca mắc mới một ngày, và đã phải mất gần 2 tháng phong toả theo Chỉ thị 16 mới cơ bản khống chế được dịch, đưa số ca nhiễm trong ngày xuống dưới 20. Thực tế này cho thấy nếu Hà Nội để tới 230 ca mắc mới một ngày mới phong toả thì sẽ có nguy cơ cao vỡ trận như TP HCM.

Vì thế, tại các tỉnh, thành phố, khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh thay vì thay đổi ngay trạng thái chống dịch, phải có chiến lược riêng trong giai đoạn chuyển tiếp (3-5 tháng). Trong giai đoạn chuyển tiếp, các địa phương nằm trong diện này áp dụng chống dịch theo điểm, không phong toả diện rộng, trước khi mở cửa hoàn toàn để sống chung với dịch khi đã tiêm đủ vaccine.

Để thích ứng "sống chung với Covid", các hiệp hội đề xuất Thủ tướng áp dụng linh hoạt chiến lược kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.

Ở giai đoạn chuyển tiếp, dự kiến từ nay tới đầu quý I/2022, các đề xuất như sau:

Vùng nào vaccine phủ sớm thì mở cửa sớm. Để mở cửa sống chung với Covid-19 trong giai đoạn này thì tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp.

Vùng 1, các vùng đang bùng phát, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách phù hợp, tuỳ theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vaccine. Nếu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên 75% thì tăng các biện pháp phòng ngừa để giảm tỷ lệ tử vong; nếu trên 90% thì nâng hẳn lên một cấp độ dịch.

Bỏ các quy định hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh. Bỏ các quy định hạn chế các hoạt động kinh tế, cho phép F0 điều trị tại nhà. Cho phép người tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 đã khỏi bệnh được đi làm.

Ngành y tế có quy trình hướng dẫn doanh nghiệp xử lý F0 trong mỗi giai đoạn. Không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có F0. Người đi từ vùng cấp độ 4 xuống vùng cấp độ dịch thấp hơn thì phải có xét nghiệm âm tính.

Vùng 2, dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch, giai đoạn chuyển tiếp 3-5 tháng đến khi tiêm đủ vaccine. Phòng dịch theo điểm, không phong toả diện rộng.

Nếu mức lây nhiễm tăng lên hơn 0,7 ca mắc mới trên 100.000 dân một ngày trong một tuần liên tiếp thì nâng mức cảnh báo nhưng không phong toả diện rộng. Vùng nào tiêm đủ vaccine theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang bình thường mới, bỏ phong toả.

Ở giai đoạn sống chung với virus, dự kiến từ giữa quý I/2022 và có thể sớm hơn nếu độ phủ vaccine sớm hơn, các đề xuất là:

Mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vaccine cho hơn 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 trên 80% trên 50 tuổi tiêm đủ vaccine

Giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được mở lại 100% ở tất cả cấp độ dịch.

Bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, gồm cả người và xe vận tải. Bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến. Bỏ xét nghiệm diện rộng, cho phép F0 điều trị ở nhà. Tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm liều tăng cường cho người lớn.

Đính kèm: Góp ý Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của 8 Hiệp hội

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.769
Khách
: 1.096
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Vitas tham gia cùng 7 hiệp hội khác kiến nghị về 1 số quy định trong dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" Rating: 5 out of 10 16979.
Core Version: 1.8.0.0