Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Chặng đường 20 năm phát triển của Hiệp hội Dệt May Việt Nam – VITAS (1999 - 2019)

25/07/2019 04:38 CH
VITAS - Tuổi 20 - Đổi mới, Trách nhiệm vì sự Phát triển Bền vững của Dệt May Việt Nam

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

VITAS là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp ngành bông, sợi, dệt, may, phụ liệu … thuộc nhiều thành phần kinh tế, trải dài trên khắp cả nước. Trong những năm đầu thành lập,với nhân lực còn yếu và thiếu, chưa có kinh nghiệm về công tác hội nhưng Lãnh đạo Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực để kiện toàn bộ máy, xác định phương hướng hoạt động là nhằm phục vụ tốt nhất cho các hội viên. Hiệp hội đã xây dựng chiến lược và các chương trình phát triển ngành dệt may. Đặc biệt, phối hợp có hiệu quả với các Bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước trong việc kiến nghị để cải thiện môi trường SXKD cho các DN, cải cách thủ tục hành chính, vận động đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may tại Việt Nam, xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu và chống các rào cản thương mại quốc tế, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, góp phần tích cực trong việc xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. VITAS đã tham gia đoàn đàm phán của chính phủ về các hiệp định thương mại tự do, Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng …

Những hoạt động của VITAS đã góp phần quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp dệt may. Đến nay ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của cả nước: kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 20,6 lần, từ 1,75 tỷ USD năm 1999 lên hơn 36,2 tỷ USD (2018). Với trên 6000 doanh nghiệp, hơn 2,5 triệu lao động, dệt may Việt Nam đã trở thành ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, tạo thu nhập ổn định, đưa Việt Nam nằm trong top 3 các nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hướng đến CNH, HĐH đất nước. Các hoạt động của VITAS luôn được doanh nghiệp hội viên ghi nhận và hưởng ứng. Từ ngày đầu chỉ chưa đầy một trăm doanh nghiệp, đến nay thành viên chính thức và liên kết của VITAS đã lên tới gần 1000 doanh nghiệp. Với vị thế hiên nay của ngành dệt may, con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên hơn nữa trong thời gian tới.

Mở rộng hội nhập quốc tế

Hiện tại, VITAS đã là thành viên và tham gia tích cực vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các nước xuất khẩu Dệt May Thế giới (ICTB), Liên đoàn May Mặc Thế giới (IAF), Liên đoàn May Mặc Châu Á (AAF), Liên đoàn Dệt May Đông Nam Á (AFTEX), Liên đoàn Thời trang Châu Á (AFF) và mới nhất là Liên đoàn các nhà SX dệt may Quốc tế (ITMF).

VITAS đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức như: Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF VN), Nhóm tài nguyên nước 2030 của WB, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), Liên minh Toàn cầu vì Mức lương đủ sống (GLWC),Tổ chức hợp tác phát triển của Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Chương trình vươn tới đỉnh cao (Race to The Top), Chương trình Năng lượng phát thải thấp VN (V-LEEP), Liên minh tạo thuận lợi thương mại tại VN (VTFA), Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI), Ủy ban An toàn sản phẩm  Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), Bộ Kinh tế , Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Hiệp hội Nhập khẩu hàng dệt may Nhật Bản (JTIA), Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc (CNTAC), Liên đoàn Công nghiệp Dệt Hàn Quốc (KOFOTI), Viện công nghệ, công nghiệp Hàn Quốc KITECH, Liên đoàn Dệt may Đài Loan (TTF), Phòng thương mại và hiệp hội DN các nước tại Việt Nam … Các hoạt động của VITAS phối hợp cùng các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, điện và các nguồn tài nguyên khác,giảm thiểu sử dụng hóa chất độc hại, nâng cao trách nhiệm xã hội, đời sống của người lao động, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khỏe con người, nâng cao năng lực về quản lý sản xuất, tự chứng nhận xuất xứ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nói chung và tăng cường đầu tư và các danh mục nguồn cung thiếu hụt, tham gia tích cực vào việc sản xuất vải trong nước nhằm từng bước gỡ “nút thắt cổ chai” của ngành, giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn vải ngoại nhập, gia tăng giá trị của DN và của ngành thông qua việc thỏa mãn các yêu cầu của các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận các phương thức sản xuất cao hơn (OEM, ODM, OBM) và mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Vì tương lai phát triển bền vững của ngành dệt may

Trong bối cảnh và tình hình mới, VITAS định hướng hoạt động như sau:

-          Tiếp tục đồng hành cùng các hội viên trong việc vận động chính sách tạo thuận lợi cho DN, tháo gỡ khó khăn trong các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, làm thêm giờ, chế độ bảo hiểm, chính sách thuế, thủ tục hải quan, các loại phí, phụ phí, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm…

-          Đóng góp ý kiến để hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2035 của Bộ Công Thương.

-          Phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai chiến lược xanh hóa ngành dệt may, tổ chức các chương trình hội thảo, đào tạo: về năng lượng tái tạo, chỉ số Higg, tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường, tăng năng suất…; tác động của CPTPP và EVFTA đến dệt may; về quy tắc xuất xứ và tự chứng nhận xuất xứ; về nhà máy thông minh, in 3D, kỹ thuất số để thích ứng với cách mạng CN 4.0… nhằm hỗ trợ các DN mở rộng thêm cơ hội tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tăng trưởng XK, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

-          Thúc đẩy việc hình thành các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn tại một số địa phương, có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, tạo điều kiện thu hút cấp phép các dự án đầu tư về phát triển sản xuất nguyên liệu nhằm tận dụng hiệu quả các FTA.

-          Tăng cường và nâng cao hiệu quả mối liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may trong chuỗi cung ứng.

-          Xây dựng nguồn nhân lực dệt may có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện mới, nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần của người lao động, góp phần xây dựng văn hóa ngành dệt may Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Hiệp hội Dệt May Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn với Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ban ngành… luôn quan tâm, tạo điều kiện cho VITAS trong toàn bộ chặng đường hoạt động của mình; các vị lãnh đạo tiền nhiệm VITAS, lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên cùng tập thể cán bộ chuyên viên Văn phòng VITAS qua các thời kỳ đã chung sức, đồng lòng cùng đóng góp để Hiệp hội từng bước lớn mạnh, phát triển bền vững, đạt những thành tích xứng đáng với chức năng nhiệm vụ được giao phó. Trong giai đoạn mới, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, VITAS sẽ tiếp tục nỗ lực để tập trung trí tuệ, sức sáng tạo để cùng các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư, mở rộng phát triển thị trường trong nước và quốc tế, áp dụng công nghệ mới, gia tăng xuất khẩu …nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với ngành dệt may Việt Nam. Các thành tựu, kinh nghiệm trong 20 năm qua là cơ sở để VITAS tiếp tục phát huy trong những chặng đường sắp tới. Tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, các doanh nghiệp và CBCNV trong ngành dệt may đang tự chuyển mình, vươn lên, đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo vì mục tiêu  phát triển bền vững, góp phần đưa con thuyền Dệt May Việt Nam vững vàng trên biển lớn.

Nguyễn Bình
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.752
Khách
: 1.078
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0