Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hiệp hội Dệt May Việt Nam- trợ thủ đắc lực cho việc phát triển ngành

16/07/2021 02:26 CH
Nhân dịp kỷ niệm 22 năm thành lập VITAS, Ban Biên tập xin gửi tới Quý bạn đọc bài viết của nguyên Chủ tịch VITAS (nhiệm kỳ 1999-2010) Lê Quốc Ân - người anh cả của ngành dệt may Việt Nam, một trong những sáng lập viêncủa VITAS, nhà lãnh đạo tài ba, người có tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam lên một tầm cao mới.










Ông Lê Quốc Ân

Nguyên Chủ tịch VITAS
(nhiệm kỳ 1999 - 2010)
Nguyên Chủ tịch VINATEX


Ngành Dệt May Việt Nam có lịch sử phát triển cách đây trên 4000 năm, tuy nhiên ngành công nghiệp dệt chỉ mới ra đời khoảng 120 năm trước với sự thành lập Nhà máy Dệt Nam Định vào năm 1898.

Sau năm 1954, tại miền Bắc có phát triển thêm một số nhà máy như: Dệt 8/3, Dệt Vĩnh Phúc, Dệt lụa Nam Định, Dệt Kim Đông Xuân... có sản lượng khoảng 150 triệu m2/năm. Tại miền Nam cũng hình thành một số nhà máy lớn như: Sicovina, Vinatexco, Vinatefinco, Vimytex, Liên Phương, Donatex và làng dệt Bảy Hiền, làng Dệt Quảng Nam… với sản lượng khoảng 250 triệu m2/năm. Ngành công nghiệp may của Việt Nam thực sự được hình thành sau năm 1976 để thực hiện hợp đồng gia công cho Liên Xô với sản luợng khoảng 10-15 triệu sản phẩm có giá trị xuất khẩu khoảng 100 triệu Rup mỗi năm.

Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới và Mở cửa kinh tế, đẩy mạnh giao thương với các nước trên thế giới. Từ năm 1987 những khách hàng đầu tiên từ Hàn Quốc, Hongkong và Singapore đã đến để nghiên cứu đặt hàng và đầu tư mở nhà máy dệt, nhà máy may tại Việt Nam. Đồng thời ngành công nghiệp dệt may của tư nhân Việt Nam cũng bắt đầu hình thành và phát triển. Tuy nhiên khả năng xuất khẩu của ngành vẫn còn rất khiêm tốn. Năm 1990 xuất khẩu của cả ngành chỉ đạt 223 triệu USD. Ngành Dệt May Việt Nam lúc đó rất bé nhỏ so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines…

Năm 1995, Tổng Công ty Dệt May Việt Nam được Thủ tướng Chính Phủ thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Tổng Công ty nhà nước trong ngành: Tổng Cty Dệt Việt Nam và Tổng Cty May Việt Nam với kỳ vọng là nối kết hai ngành lại với nhau để tăng năng lực cạnh tranh. Ý tưởng thành lập Hiệp hội ngành hàng dệt may cả nước cũng xuất phát ngay sau đó. Tuy nhiên việc hình thành tổ chức này cũng khá gian truân vì có quá nhiều thủ tục phải thực hiện và nhất là tâm lý nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc có một Hiệp hội chung cho cả hai ngành Dệt và May - mà trước đây doanh nghiệp cả hai ngành rất thiếu hợp tác với nhau. Việc vận động đã được thực hiện kiên trì từ cuối năm 1996 trên cơ sở lực lượng doanh nghiệp của Tổng Công ty Dệt May Việt Nam với các doanh nghiệp quốc doanh nòng cốt tại các địa phương như Công ty May 20 của Bộ Quốc phòng, Công ty Dệt May 29/3 của TP Đà Nẵng, Công ty Dệt Long An của tỉnh Long An, Công ty Legamex của TP Hồ Chí Minh, Công ty May 2 tại Hải phòng, Công ty May Thái nguyên tại tỉnh Thái Nguyên, Công ty May Tiền Tiến của tỉnh Tiền Giang, Công ty May Đồng Tiến của tỉnh Đồng Nai, Công ty May Tây Đô của tỉnh Hậu Giang, Công ty Dệt Hồng Quân của tỉnh Thái Bình, và đặc biệt là sự tham gia của Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh…

Quá trình thực hiện công tác vận động và các bước thủ tục thành lập Hiệp hội tại Bộ Công nghiệp và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ đã được ông Bùi Xuân Khu - lúc đó là Tổng Giám đốc TCty Dệt May Việt Nam và anh Huỳnh Văn Chính, TGĐ Công ty Dệt May 29/3 hỗ trợ hết sức tích cực. Ngày 21/10/1999, Đại hội lần đầu tiên thành lập Hiệp Hội Dệt May Việt Nam với gần 200 hội viên, đại diện cho trên 70% năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt, may và nguyên phụ liệu Việt Nam, đã được tổ chức thành công tại khách sạn Melia Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 48 người. Rất tiếc là Hiệp hội lúc đó chưa thể kết nạp hội viên là các nhà đầu tư nước ngoài do luật chưa cho phép. Để khắc phục qui định này, từ nhiệm kỳ 2, Hiệp hội đã kết nạp hội viên liên kết là các doanh nghiệp và Hiệp hội đầu tư nước ngoài trong ngành Dệt May tại Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh các hội viên liên kết nước ngoài sau đó đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của Hiệp hội và cho sự phát triển Ngành.

Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Một trong những dấu ấn nổi bật là hoạt động kết nối với các nhà nhập khẩu dệt may lớn của Mỹ vào cuối năm 2001 tại New York khi Hiệp hội tổ chức cuộc triển lãm giới thiệu hàng dệt may lần đầu tiên của Ngành tại đây. Qua cuộc triển lãm này, các nhà nhập khẩu lớn như Limited Brand, JC Penny, Mast Industries, Target, Diesel, Victoria Secret… đã quyết định sẽ vào Việt Nam nghiên cứu khả năng nhập hàng dệt may vào đầu năm 2002. Hiệp hội đã tổ chức 2 cuộc triển lãm sau đó tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 2002 để đón đại diện các nhà nhập khẩu này. Nhờ đó, cùng với tác động hiệu lực của BTA, ngay trong năm 2002 kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ đã đạt trên 980 triệu USD, gấp 20 lần những năm trước đó. Từ năm 2008 đến nay, năm nào Hiệp hội cũng tổ chức đoàn tham gia hội chợ Magic Show tại Las Vegas để nhận đơn hàng. Xuất khẩu hàng Dệt May Việt Nam vào Mỹ đã đạt trị giá trên 13 tỉ USD vào năm 2018 và Mỹ đã chiếm đến 50% thị phần xuất khẩu của hàng Dệt May Việt Nam trong hơn 10 năm nay.

Một dấu ấn đáng nhớ khác trong hoạt động của Hiệp hội là hoạt động bình chọn Doanh nghiệp Dệt May tiêu biểu hàng năm. Bao gồm cả doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp tiêu biểu của Ngành hàng năm đã được Lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước gặp mặt và lắng nghe tiếng nói của họ. Các vị Thủ tướng như Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc; và các vị Chủ tịch nước như Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang… là những người đã thường xuyên quan tâm nắm bắt tin tức và chỉ đạo để phục vụ cho sự phát triển của Ngành. Có câu chuyện vui là trong lần tiếp doanh nghiệp tiêu biểu năm 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rất vui khi tình cờ tay bắt mặt mừng và đã nhận ra anh Phạm Xuân Hồng, TGĐ doanh nghiệp tiêu biểu “Cty CP May Sài Gòn 3”, là người đã cùng hoạt động nội tuyến trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Sau 20 năm hoạt động, Hiệp hội tự hào đã luôn là trợ thủ đắc lực giúp ngành Dệt May nước nhà có bước phát triển vượt bực: sản lượng kéo sợi tăng hơn 12 lần, sản lượng vải tăng 6 lần, sản lượng may mặc tăng trên 100 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 23 lần. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam đạt trên 36 tỉ USD, trong đó trị giá gia tăng đạt trên 50% kim ngạch. Việt Nam đã trở thành nước lớn thứ ba trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may.

Vai trò trợ thủ của Hiệp hội đối với sự phát triển của Ngành đã được thể hiện tóm tắt trong các mặt sau:

1.Liên kết các doanh nghiệp trong Ngành, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp May với các doanh nghiệp Dệt và doanh nghiệp Nguyên phụ liệu để tạo ra các chuỗi liên kết giá trị nhằm tăng khả năng đáp ứng yêu cầu của những khách hàng lớn. Với kết nối giao lưu trong Hiệp hội, nhiều liên kết giữa các đơn vị lớn có nhiều đơn hàng với các vệ tinh ở địa phương để cùng phát triển đã được xác lập.

3. Đại diện các doanh nghiệp trong Ngành xây dựng hợp tác chiến lược với các tổ chức Dệt May quốc tế. Hiệp hội luôn là thành viên tích cực trong các tổ chức Dệt May quốc tế và khu vực: Văn phòng Dệt May Quốc tế (ITCB), Hiệp hội Dệt Quốc tế (ITMF), Hiệp hội các nhà nhập khẩu Mỹ (US ITA), Liên đoàn Dệt May Đông Nam Á (AFTEX)… Hiệp hội cũng kết nạp làm thành viên liên kết các tổ chức dệt may FDI tại Việt Nam như Hội Dệt May Đài Loan, Hongkong, Hàn Quốc, Mỹ…

2. Đầu mối tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin ngành dệt may trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động của mình một cách phù hợp. Bản tin Kinh tế Dệt May hàng tháng là một trong những nguồn thông tin quan trọng nhất của doanh nghiệp trong nhiều năm nay.

4. Đại diện cho tiếng nói của Ngành để làm việc với Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan nhằm chủ động xây dựng chính sách chế độ thuận lợi cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp trong Ngành. Đại diện cho người sử dụng lao động trong Ngành để xây dựng sự hợp tác hai bên cùng có lợi với đại diện người lao động. Hiệp hội hiện nay là thành viên của Hội Đồng Lương quốc gia. Hiệp hội cũng giữ vai trò làm đại diện cho quyền lợi của Ngành trong các đàm phán mở cửa thị trường tại Hiệp định Dệt May (2004) và cơ chế giám sát với Mỹ (2007) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)…

Với những thuận lợi mới từ chính sách của Chính phủ trong việc hợp tác, mở cửa thị trường nước ngoài đồng thời thu hút FDI; với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và với kinh nghiệm hoạt động 20 năm của Hiệp hội, dự đoán ngành Dệt May Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cả về lượng và chất. Cấu trúc ngành Dệt May Việt Nam sẽ được chuyển đổi theo hướng tăng cường chuỗi sản xuất nguyên liệu, và tăng trị giá gia tăng cũng như tỉ lệ mặt hàng có giá trị cao trong xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 8-10% mỗi năm, và dự kiến đạt ít nhất 60 tỉ USD vào năm 2025.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.817
Khách
: 1.144
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0