Đây là thông tin được đưa ra bởi ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) trong buổi họp báo giới thiệu Cotton Day Vietnam 2021 - Diễn đàn đặc biệt về bông bền vững do VITAS tổ chức chiều 15-11 tại TP. HCM
Chủ tịch Vitas khẳng định thông tin Nike và Adidas chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam hồi tháng 8, 9 vừa qua là không chính xác. "Tính đến thời điểm tháng 10 khi chúng ta mở cửa trở lại, ở Tổng Công ty May Việt Tiến, nhãn hàng Nike cũng chưa chuyển đơn hàng nào đi bởi không chọn được nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của họ về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá như ở Việt Nam" - ông Giang thông tin.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu tại buổi họp báo
Theo Chủ tịch VITAS, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên đã có số lượng nhất định đơn hàng giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13%-14%. Tuy vậy, có dấu hiệu các đơn hàng quay lại (niên vụ 2022) kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết128 về kiểm soát, sống chung với Covid-19 trong tình hình mới.
"Các nhãn hàng hiện có niềm tin khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế. Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin và đưa ra mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỉ USD dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu" - ông Giang kỳ vọng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 10 tháng năm 2021 của Việt Nam ước đạt 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính cả năm Việt Nam sẽ xuất khẩu được 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%; xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD. |