Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Xu hướng thời trang: Cơn sốt Metaverse với thời trang xa xỉ

20/04/2022 09:06 SA
Có bao giờ bạn nghĩ đến lúc mình sẽ bỏ ra hàng trăm đô la cho một chiếc ví, áo khoác hoặc áo sơ mi mang tính chất “phi vật lý” – có nghĩa là những món đồ đó chỉ tồn tại trên nền tảng số?
Từ lâu, những người chơi game đã sử dụng quần áo và phụ kiện để thiết lập danh tính ảo của họ và có rất nhiều lý do để người dùng metaverse sẽ đi theo hướng này trong tương lai. Giám đốc điều hành của các thương hiệu thời trang xa xỉ đang xem xét xu hướng này một cách nghiêm túc và nhanh chóng tận dụng cơ hội bán các phiên bản ảo của sản phẩm cho người dùng metaverse.

Trong biên giới mới của metaverse - một thế giới ảo cung cấp khả năng truy cập thông qua các thiết bị và nền tảng khác nhau, hình ảnh đại diện là tất cả. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi một số người dùng sẽ trả những khoản tiền lớn để khoác lên danh tính ảo của mình những món đồ xa xỉ.

Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, hy vọng thị trường ngách này sẽ phát triển lớn mạnh trong metaverse. Zuckerberg nói, “Hình đại diện sẽ phổ biến như ảnh hồ sơ ngày nay, nhưng thay vì hình ảnh tĩnh, chúng sẽ là những hình ảnh đại diện 3D sống động về bạn, biểu cảm, cử chỉ của bạn sẽ làm cho các tương tác trở nên phong phú hơn nhiều so với bất cứ công nghệ trực tuyến nào khác. Bạn có thể sở hữu một hình ảnh đại diện thực tế cho công việc, một hình cách điệu để đi chơi và thậm chí có thể là một hình đại diện giả tưởng để chơi game. Bạn sẽ có một tủ quần áo ảo cho những dịp khác nhau được thiết kế bởi những nhà thiết kế khác nhau và từ các ứng dụng và trải nghiệm đa dạng”.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho rằng thị trường hàng xa xỉ ảo có thể lên tới 50 tỷ USD vào năm 2030.

Hầu hết hàng hóa xa xỉ ảo được phát hành với số lượng hạn chế và người dùng mua chúng sẽ nhận được NFT (mã thông báo không thể thay thế) dưới dạng chứng nhận ảo về quyền sở hữu.

Trong metaverse, người dùng sẽ có thể mang các mặt hàng như quần áo, phụ kiện và đồ trang trí nhà từ nền tảng này sang nền tảng khác (ví dụ: từ thế giới trò chơi của Fortnite đến vũ trụ của Meta).

Lợi ích của hàng hóa ảo đối với thương hiệu xa xỉ

Loại bỏ nguy cơ tồn hàng. Gonçalo Cruz, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của PlatformE, một nhà cung cấp công nghệ giúp các thương hiệu tạo và khởi chạy kết xuất 3D, cho rằng hàng hóa ảo có thể giải quyết vấn đề cung vượt cầu đối với các thương hiệu xa xỉ.

Ông nói về ngành công nghiệp thời trang nói chung: “Mỗi thương hiệu đều sản xuất thừa số lượng, tồn kho quá mức và lại bán giảm giá vào cuối mùa, đó là một vòng lặp của sự lãng phí, làm giảm giá trị của thương hiệu”. Với hàng hóa ảo, các thương hiệu sẽ không phải áp dụng chương trình giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho nữa.

Biên lợi nhuận lớn. Việc tạo ra hàng hóa xa xỉ ảo không tốn bất kỳ nguyên liệu thô nào, điều đó có nghĩa là bán quần áo và phụ kiện ảo gần như bằng tất cả lợi nhuận. Các nhà thiết kế cũng có thêm nhiều đất diễn cho sự sáng tạo vì gần như không có bất cứ giới hạn nào trên thế giới ảo.

Các công ty có thể đưa các thiết kế cũ trở lại. Hầu hết các thương hiệu xa xỉ đều có các thiết kế lưu trữ mang giá trị văn hoá, di sản. Nay họ có thể chuyển đổi chúng thành tài sản ảo, mang lại nguồn doanh thu mới với mức đầu tư tối thiểu.

Các thương hiệu cạnh tranh sôi nổi trên thị trường Metaverse

Philipp Plein gần đây đã chi ra số tiền tương đương 1,2 triệu euro để mua một lượng lớn bất động sản ảo trong Decentraland metaverse, trong khi Gucci đã mua không gian kỹ thuật số trên web trò chơi điện tử The Sandbox của HongKong, nơi có kế hoạch cung cấp “trải nghiệm sống động”.

Louis Vuitton, Balenciaga và Gucci đã mở đường cho cuộc đua ảo này bằng cách trang bị cho nhân vật trong các trò chơi điện tử khác nhau, và phần lớn các hãng thời trang xa xỉ kể từ đó đều đi theo hướng này. Mới nhất là Prada: trong tuần này, dòng đồ thể thao Linea Rossa tung ra một loạt trang phục và thiết bị ảo (từ ván trượt đến xe trượt tuyết và xe đạp) trên trò chơi điện tử thể thao mạo hiểm Riders Republic.

Balenciaga với BST skin collab trong trò chơi đa nền tảng 'Fortnite'


Trong mười hai tháng qua, các nhãn hàng đã khai thác cơn sốt NFT, được chứng nhận là tài sản ảo duy nhất, không thể trao đổi bằng công nghệ blockchain. NFT tương tự như chứng chỉ xác thực, chúng không thể bị làm giả và cho phép các thương hiệu tạo ra các mô hình kỹ thuật số độc đáo, độc quyền, đôi khi khớp với bản gốc vật lý. Mặc dù sự tồn tại của NFT đã không ngăn được các nhà khai thác khác hầu như sao chép các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, như túi xách Hermès và giày thể thao Nike, và bán chúng trực tuyến.

Mặc dù vậy, các nhãn hiệu xa xỉ đã bước vào cuộc cạnh tranh kỹ thuật số với sự thích thú. Vào cuối năm 2021, Dolce & Gabbana, AZ Factory và Givenchy cùng với nhà thiết kế đồ họa Chito đã phát triển NFT của riêng mình, tiếp theo là Balmain, hợp tác với Barbie. Vào tháng 1 năm 2022, Prada khởi động một dự án tập thể để tạo ra NFT nghệ thuật với Adidas. Gần đây là Kenzo, song song với bộ sưu tập đầu tiên được thiết kế bởi Giám đốc sáng tạo mới Nigo, lấy cảm hứng từ hoa 'boke' của Nhật Bản, nhãn hàng đã tạo ra 100 NFT, sẽ được phân bổ theo hình thức bốc thăm giữa những khách hàng sở hữu một vật phẩm từ bộ sưu tập và đăng ký trên trang web. Những người chiến thắng may mắn cũng sẽ có quyền truy cập vào nội dung độc quyền trong “thế giới của Kenzo”.

NFT Gold Glass Dress được thiết kế bởi Dolce & Gabbana và được thi công bởi UNXD


Ambush, nhãn hiệu Nhật Bản của nhà thiết kế người Mỹ gốc Hàn Yoon Ahn, sắp trình diễn tại Milan, cũng đang trình diễn trên sân khấu ảo. Từ ngày 14 tháng 2, Ambush đang bán trực tuyến bộ sưu tập mới bao gồm 2.200 NFT tái tạo các thiết kế ở dạng 3D.

Vào đầu tháng 2, Gucci đã ra mắt thành công SuperGucci, một loạt NFT được bán trên trang web Vault của tập đoàn Kering và được tạo ra với sự hợp tác của chuyên gia đồ chơi nghệ thuật Hoa Kỳ Superplastic.

Ngoài ra, những cái tên đáng gờm khác trong làng thời trang xa xỉ cũng đang có toan tính, lối đi của riêng mình. Như OTB, tập đoàn sở hữu Jil Sander, Maison Margiela và Marni, đã tạo ra BVX (Brave Virtual Xperience), một công ty có mục tiêu duy nhất là tập trung vào phát triển metaverse. Chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Tommy Hilfiger đã công bố quan hệ đối tác với công ty tiếp thị lan truyền EWG Virtual để tập trung vào thương mại điện tử trên nền tảng metaverse. Thương hiệu thời trang lâu đời của Anh, Burberry đã tạo ra một chuỗi các sáng tạo NFT độc đáo có thể chơi được có tên là Sharky B trong Blankos Block Party từ Mythical Games. Các nhân vật bao gồm các phụ kiện như băng tay, túi phản lực và giày bơi. Bộ sưu tập sáng tạo đã bán hết nhanh chóng với giá gần 400.000 đô la. Tại Ý, Dolce & Gabbana đã bán bộ sưu tập 'Collezione Genesi' gồm 9 món của mình trên thị trường hàng xa xỉ kỹ thuật số UNXD với giá 5,7 triệu đô la.

Tuần lễ thời trang Metaverse của Decentraland từ ngày 24/3 - 27/3 đã nhận được nhiều sự quan tâm trong ngành hơn bất kỳ sự kiện thời trang kỹ thuật số nào trước đó với 108.000 người tham dự.
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.761
Khách
: 1.087
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0