Chuyến công tác của Đoàn nhằm triển khai các hoạt động hợp tác thúc đẩy đối thoại xã hội (ĐTXH) tại nơi làm việc và thương lượng tập thể (TLTT) thực chất trong ngành dệt may do TLĐ Lao động VN/ LĐLĐ tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) thực hiện với sự hỗ trợ của Công đoàn Hà Lan (CNV).
Tại VP Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai
Đoàn đã gặp mặt và trao đổi với đại diện lãnh đạo và tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (VN), Công ty CP Đồng Tiến, Công ty TNHH Fashion Garments 2, Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing VN - Đồng Nai.
Tại các buổi làm việc, đại diện LĐLĐ tỉnh ĐN đã khái quát dự án thúc đẩy ĐTXH tại nơi làm việc và TLTT thực chất trong ngành dệt may, tình hình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh ĐN và các bên liên quan để triển khai dự án và mời các công ty tham gia Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp (DN). Các thành viên Đoàn cũng trao đổi, phân tích những lợi ích của mỗi công ty khi tham gia TƯLĐTT nhóm DN.
Tại VP Công ty CP Đồng Tiến
Đại diện các công ty cũng thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động, các chính sách liên quan đến trách nhiệm xã hội của đơn vị, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp trong trong thời gian dịch bệnh Covid cũng như trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đại diện Công đoàn Hà Lan (CNV) - Bà Văn Trà My đã chia sẻ về quá trình triển khai dự án từ 2018 đến nay đối với các DN dệt may. Dự án được thực hiện trong thời gian đầu từ địa bàn huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, sau đó ở quận Tân Bình và Thủ Đức, TP HCM và hiện tại là TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Bà My cho biết các DN tham gia dự án sẽ được CNV cấp Giấy chứng nhận và đó sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc quảng bá thương hiệu của đơn vị và đặc biệt là khi làm việc với các nhãn hàng.
Tham quan xưởng SX của Công ty CP Đồng Tiến
Giới thiệu khái quát về ngành dệt may, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS cho biết, ngành dệt may có hơn 7000 DN, khoảng 3 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 trong nước và về XK dệt may Việt Nam nằm trong top 3 trên thế giới. Năm 2021 XK dệt may đạt 41 tỷ USD. Việt Nam đã tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Khi tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu sắc hơn thì các DN dệt may càng cần phải thực hiện những cam kết của các FTAs, trong đó có những yêu cầu cao đối với việc tuân thủ các công ước của ILO về tiêu chuẩn lao động cơ bản, về ĐTXH và TLTT.
Tại VP Công ty Công ty TNHH Fashion Garments 2
Bà Mai chia sẻ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ VN đối với việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Định hướng của VITAS là tạo điều kiện và hỗ trợ để các DN dệt may phát triển bền vững theo mô hình 3 chữ P: People (con người), Planet (hành tinh) và Profit (lợi nhuận) – giống như kiềng 3 chân. VITAS khuyến nghị DN nên tham gia TƯLĐTT nhóm DN. Như vậy sẽ có lợi ích là tạo mối quan hệ lao động hài hòa, giảm cạnh tranh về lao động, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng cũng như học hỏi những kinh nghiệm hay giữa các DN trong khu vực.
Trước áp lực chung của các DN là thiếu lao động trầm trọng, bà Mai khuyến nghị DN nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi số để góp phần tăng năng suất lao động, tăng cường cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, nâng cao thương hiệu DN, mở rộng khả năng thu hút khách hàng. Sau khi giới thiệu về chức năng và hoạt động của VITAS, bà Mai cũng đề nghị DN tham gia tích cực hơn trong các hoạt động, sự kiện của VITAS để cùng nhau gắn kết trong chuỗi cung ứng và phát triển bền vững.
Tại VP Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing VN - Đồng Nai
Đại diện các công ty đã trao đổi những thực trạng khó khăn hiện nay tại doanh nghiệp như: tình hình thiếu lao động nghiêm trọng; nhiều chi phí như logistic, nguyên phụ liệu... đều tăng; áp lực tăng lương và đảm bảo thu nhập, hỗ trợ chỗ ở cho công nhân. Về bữa ăn cho người lao động, nhiều công ty đề nghị không nên ấn định bằng mức tiền mà tính bằng định lượng calo. Hoan nghênh và ghi nhận các thông tin cũng như đề xuất của LĐLĐ tỉnh ĐN, KCN Biên Hòa và VITAS, đại diện các công ty cho biết sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có các doanh nghiệp dệt may ở khu vực TP. Biên Hòa và huyện Trảng Bom đã ký biên bản ghi nhớ để tham gia TƯLĐTT nhóm DN. LĐLĐ tỉnh ĐN và Công đoàn KCN dự kiến mời thêm các DN trong khu vực TP Biên Hòa cũng như huyện Trảng Bom tham gia và ký TƯLĐTT nhóm DN. Trên cơ sở chia sẻ những thông tin chung về dự án cũng như khả năng tham gia của các DN dệt may, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai sẽ dự thảo TƯLĐTT nhóm DN và chuyển cho các đơn vị xem xét, nghiên cứu và có cơ sở để thương lượng tiếp.
Nguyễn Bình - VITAS