Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công gặp gỡ và trao đổi với các Hiệp hội doanh nghiệp chiều ngày 19/10.
Đóng góp xây dựng chính sách, kiến tạo môi trường kinh doanh
Chia sẻ nguyện vọng của các Hiệp hội, là những nhóm ngành hàng sử dụng nhiều lao động, Phó Chủ tịch VITAS cho biết các Hiệp hội đã tập hợp lại để đóng góp ý kiến xây dựng, hiệu quả nhất là đóng góp về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp phát triển ngày càng thuận lợi và thịnh vượng.
“Có thể đơn cử kể đến sự thành công trong đóng góp xây dựng Bộ Luật Lao động, cũng như Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường…. Việc vận động chính sách không hề đơn giản, cần sự kiên trì, đeo bám và cũng cần nghiên cứu thấu đáo”, ông Cẩm nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các Hiệp hội doanh nghiệp.
Do đó, ông Cẩm khẳng định các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp phải bám sát, làm ngay từ đầu khi chính sách đang được xây dựng và lấy ý kiến.
Nhiều chính sách về dệt may chúng tôi kiến nghị đã được các cơ quan tiếp thu và chỉnh sửa. Chính vì vậy doanh nghiệp mong muốn VCCI với vai trò đi đầu của các Hiệp hội, cùng với các ban chuyên môn, chuyên sâu sẽ hỗ trợ các Hiệp hội, thể hiện vai trò dẫn dắt các Hiệp hội trong công tác đóng góp xây dựng chính sách”, Phó Chủ tịch VITAS nhấn mạnh.
Ví dụ về những chính sách cần được doanh nghiệp tham gia đóng góp thời gian tới, Phó Chủ tịch VITAS ví dụ như vấn đề kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, thu phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng, TP HCM… và hàng loạt các vấn đề. Do đó, phía các Hiệp hội hiểu rằng, vận động chính sách không phải việc riêng của các Hiệp hội ngành hàng tham gia cuộc gặp hôm nay, mà là kiến tạo cơ chế, điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS.
“Chúng tôi mong muốn VCCI với vai trò dẫn dắt sẽ kết nối các Hiệp hội, doanh nghiệp với Chính phủ, các Bộ ngành và cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề của doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia những công việc của VCCI khi thực hiện vai trò chính trị của mình”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, doanh nghiệp vừa trải qua đợt dịch vô cùng phức tạp, những ngành như da giày, dệt may, thuỷ sản, điện tử... chịu tác động vô cùng lớn, do đó, ưu tiên cơ chế chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện COVID-19 khó khăn là yêu cầu tiên quyết.
Đại diện các Hiệp hội nêu ý kiến tại buổi gặp.
Cùng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng khẳng định các doanh nghiệp của Hiệp hội luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của VCCI như tham mưu chính sách.
“VCCI đã kết nối được các hiệp hội lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế, giúp đóng góp chung cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, đáng chú ý là việc VCCI tham gia xây dựng các vấn đê chính sách, thay đổi, cải thiện môi trường kinh doanh”, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM (FFA) cho rằng, trong tình hình chuyển đổi kinh tế thị trường, kinh tế số và nay là đại dịch covid đặt áp lực khiến các doanh nghiệp chịu nhiều tác động, Do đó, doanh nghiệp mong mỏi VCCI và các Hiệp hội liên kết chặt chẽ, tìm nhiều cách để khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, thay đổi các quy định phù hợp với sự phát triển của kinh tế đất nước.
Đại diện các Hiệp hội mong muốn VCCI cùng với các ban chuyên môn sẽ hỗ trợ các Hiệp hội, dẫn dắt các Hiệp hội trong công tác đóng góp xây dựng chính sách.
Chủ động đề xuất xây dựng chính sách
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng cho rằng, các Hiệp hội và doanh nghiệp mong muốn VCCI có cơ chế phối hợp hơn nữa.
Dài hơi hơn, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, VCCI trước nay đã làm tốt vai trò chia sẻ, trao đổi thông tin, các Hiệp hội nhờ VCCI có thể cập nhật cơ chế chính sách.
Ngược lại, VCCI thông qua các Hiệp hội để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, từ thực tiễn này để đóng góp điều chỉnh chính sách phù hợp với “hơi thở” của đời sống sản xuất, kinh doanh.
VCCI sẽ thực sự kiến tạo được mái nhà chung, tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp luôn có những khó khăn do đó cần tiếng nói của VCCI, nhưng cần hơn nữa là chúng ta cần có tiếng nói cho sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Do đó, thời gian tới cần đóng góp với Chính phủ xây dựng các quyết sách lớn về khôi phục kinh tế, nắm bắt những cơ hội ngay trong đại dịch để đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước”, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhấn mạnh.
Bày tỏ vui mừng và xúc động khi được gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các Hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, ở cương vị mới sẽ nỗ lực cùng các Hiệp hội đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
“Hôm nay khi ngồi lại để nói về câu chuyện đóng góp chính sách, tôi mới thấy rất phấn khởi khi chúng ta đã thống nhất được rằng cần đi trước, đi sớm trong xây dựng chính sách, không chờ chính sách ban hành rồi mới cho ý kiến. Thời gian qua, chúng ta đóng góp ý kiến, Chính phủ và các Bộ ngành đã có sự cầu thị điều chỉnh chính sách phù hợp, vậy tới đây cần chủ động đề xuất xây dựng chính sách, làm sao tìm tiếng nói chung và ôn hòa vì mục tiêu chung là sự phát triển của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, doanh nhân, doanh nghiệp phải là tinh hoa của xã hội, trong hành trình này của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ thực sự kiến tạo được mái nhà chung, tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần sự gắn bó, gắn bó hơn nữa của các Hiệp hội. Doanh nghiệp mạnh Hiệp hội mới mạnh, Hiệp hội mạnh thì mới có thể dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng, đóng góp xây dựng chính sách phát triển đúng của kinh tế đất nước.
Theo: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp