Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Doanh nghiệp “tê cứng” trước Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Bài 1: Phí tái chế làm “tê tái” doanh nghiệp

18/10/2021 11:17 SA
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 rất dễ tạo cơ chế xin - cho, phí chồng phí, không tạo điều kiện cho DN có thời gian hồi phục…

Không bỗng nhiên, mới đây, chủ tịch 11 hiệp hội doanh nghiệp của nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam cùng 2 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đồng loạt gửi kiến nghị tới Chính phủ và bộ trưởng của 10 bộ, ngành. Các hiệp hội cho rằng, phiên bản chỉnh lý sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn quá nhiều bất cập, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

 
Doanh nghiệp dệt may là đối tượng chịu tác động của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.     

Ảnh: Lê Toàn

Bài 1: Phí tái chế làm “tê tái” doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 rất dễ tạo cơ chế xin - cho, phí chồng phí, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian hồi phục…

Đã phí chồng phí…

Từ tháng 6/2021, khi Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn được đưa ra lấy ý kiến, nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đã cho rằng, Dự thảo sẽ làm tăng gánh nặng chi phí về môi trường cho doanh nghiệp. Tiếp thu góp ý, sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27/9/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh lý sửa đổi và hoàn thiện bản dự thảo mới nhất ngày 5/10/2021.

Tuy nhiên, với bản dự thảo đã sửa đổi mới nhất nêu trên, 11 hiệp hội doanh nghiệp trong nước đều cho rằng, cơ quan soạn thảo vẫn không cho thời gian để doanh nghiệp kịp hồi phục sau đại dịch Covid-19, chứ chưa nói vấn đề khác lớn hơn. Cụ thể, điểm 4, Điều 79 của Dự thảo buộc doanh nghiệp phải “đóng góp tài chính để tái chế bắt đầu áp dụng vào ngày 1/1/2024”.

Theo các hiệp hội, công nghiệp tái chế của Việt Nam hầu như chưa có gì. Muốn xây dựng một nhà máy tái chế phải mất từ 2- 3 năm, nếu thuận lợi. Trong khi đó, từ nay đến ngày 1/1/2024 chỉ còn hơn 2 năm và các doanh nghiệp vẫn phải vật lộn để chống dịch và phục hồi dây chuyền sản xuất sẵn có, chứ chưa nói kịp để xây dựng mới.

Vì vậy, tới thời hạn trên, muốn sản xuất, doanh nghiệp buộc phải nộp phí tái chế, tất yếu sẽ phải tính vào giá thành sản xuất, tức tăng giá hàng hóa. Và như vậy, mọi thứ sẽ lại đổ vào vai người dân, ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/9/2021 yêu cầu thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp giãn, giảm thuế, phí, lệ phí… còn… chưa ráo mực.

Chưa hết, quy định về đối tượng và mức đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động tái chế lại áp mức giống nhau, tức là không phân biệt doanh nghiệp chỉ sản xuất bao bì và doanh nghiệp sản xuất thành phẩm (giá trị cao gấp nhiều lần bao bì), là không rõ cơ sở khoa học, không công bằng và bất hợp lý, vì giá trị bao bì chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thành phẩm.

Điều phi lý nữa, nhà sản xuất bao bì đã nộp đóng góp để tái chế bao bì, nhà sản xuất thành phẩm dùng bao bì đó cũng phải nộp đóng góp để tái chế bao bì đó và sắp tới, người tiêu dùng cũng sẽ phải trả phí xử lý rác thải từ bao bì, sẽ dẫn tới phí chồng phí 3 lần. 


... lại còn thu không phân biệt

Dự thảo cũng không phân biệt giữa bao bì có thể tự hủy (như giấy, vải tự nhiên) và bao bì khó phân hủy, giữa nhựa tái sinh hay không tái sinh. Tất cả đều phải đóng góp phí tái chế, hay thu gom xử lý chất thải, thì không chỉ phi cơ sở khoa học, mà còn không khuyến khích được mọi người chuyển sang dùng bao bì tự hủy, nhựa tái sinh để bảo vệ môi trường.

“Ngay cả sản phẩm tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần có thể tự phân hủy được cũng thu phí 1% như loại khó phân hủy là phi lý. Như vậy là quy định để thu tiền, chứ không phải khuyến khích sử dụng vật liệu tự phân hủy để bảo vệ môi trường”, một đại diện doanh nghiệp phân tích.

Đó là chưa nói, quy định rất thiếu thực tế khi buộc nhiều sản phẩm, như bao bì giấy, nhôm phải được thu gom tái chế. Trong khi đó, bao bì giấy bằng thùng carton, không cán nhựa và bao bì kim loại nhôm đã qua sử dụng ít gây độc hại, ảnh hưởng tới môi trường, lại có giá trị thương mại cao (bán được tiền) và dễ thu gom (tỷ lệ gần như 100%), nên không cần phải trả tiền để thu gom, xử lý.

Dự thảo cũng quy định nhiều sản phẩm buộc phải tái chế với tỷ lệ cao, như nhựa PET quy định là 22%, trong khi công nghệ tái chế của Việt Nam gần như chưa có gì. Ngay cả một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) có công nghệ tái chế hiện đại cũng quy định tỷ lệ tái chế loại nhựa này ở dưới mức 15%.

Hay như mặt hàng ô tô, xe máy, thực tế tại Việt Nam, nhà sản xuất còn phải trả thêm tiền cho chủ xe khi tiếp nhận xe thải bỏ, mà cũng không thể thu hồi được, vì chủ xe đem bán cho công ty thu mua phế liệu còn thu được nhiều tiền hơn.

Trong khi đó, các quốc gia khác chỉ quy định, nhà sản xuất hạn chế sử dụng các chất nguy hại đối với môi trường trong việc sản xuất ô tô; thiết kế và sản xuất các loại xe mới sao cho dễ dàng tháo dỡ, tái sử dụng, tái chế, thu hồi; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu tái chế; đảm bảo tái chế được khối lượng các nguyên, vật liệu cấu thành sản phẩm theo một tỷ lệ tái chế nhất định từ chiếc xe bị thải bỏ (không bị bắt buộc phải đạt một tỷ lệ thu gom nào); nhà sản xuất - nhà nhập khẩu không thu phí thải bỏ từ chủ xe khi tiếp nhận xe thải bỏ (trừ trường hợp đặc biệt) và phải chịu trách nhiệm giao xe thải bỏ ấy tới cơ sở thu gom hoặc tái chế hợp pháp.

“Cách tính mức đóng góp của dự thảo mới đang xem bao bì, sản phẩm khi thu gom để tái chế là rác thải. Điều này đi ngược với mô hình kinh tế tuần hoàn và hoàn toàn không chính xác với tình hình thực tế hiện nay, khi các bao bì, sản phẩm này là nguồn nguyên vật liệu để sản xuất trong mô hình kinh tế tuần hoàn và có giá trị thương mại, là nguồn thu nhập của doanh nghiệp. Với cách tính hiện nay, doanh nghiệp không chỉ mất đi nguồn thu nhập này, mà còn phải chi trả thêm chi phí là không hợp lý, làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phân tích.

Lùng bùng quản lý tiền đóng góp để tái chế

Điều 83 của Dự thảo buộc nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ BVMT). Trong khi Quỹ này chỉ có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án…, mà không có chức năng chi trả cho hoạt động tái chế và cũng chưa có khung pháp lý để quản lý chức năng này.

Đó là chưa kể, tiền doanh nghiệp đóng góp để tái chế, nhưng Dự thảo quy định, còn được dùng vào các mục đích khác như nghiên cứu giải pháp tái chế, thì không chỉ sai mục đích, mà còn trái ngay chính Luật Bảo vệ môi trường. “Các doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường, đóng góp tái chế và nhiều loại thuế phí khác. Nhà nước dùng các khoản thuế đã nộp của doanh nghiệp để làm ngân sách hoạt động cho quản lý nhà nước. Do đó, chi phí cho một số cán bộ nhà nước quản lý hoạt động tái chế (nếu có) cũng cần lấy từ ngân sách nhà nước”, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại TP.HCM và Đà Nẵng (AmCham Việt Nam) góp ý.

Những bất cập nêu trên chỉ là “mới điểm qua”. Theo các doanh nghiệp, còn hàng loạt vấn đề khác sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư, nếu cơ quan chức năng “duy ý chí”.

Các bất cập chính về mức đóng góp, tỷ lệ tái chế

1. Chưa rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của tỷ lệ tái chế bắt buộc, tỷ lệ thu hồi tối thiểu.

2. Không có phân biệt giữa bao bì có thể tự hủy và bao bì khó phân hủy, giữa nhựa tái sinh hay không tái sinh, tất cả đều phải đóng góp.

3. Không có phân biệt giữa sản phẩm/bao bì có giá trị thương mại khi hết thời gian sử dụng với các loại không có giá trị thương mại.

4. Phí chồng phí.

5. Thiếu công bằng.

6. Định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì bao gồm cả chi phí của cơ quan quản lý nhà nước là bất hợp lý.

7. Chưa có khung pháp lý quản lý khoản đóng góp quỹ tái chế.

8. Hội đồng EPR quốc gia thông qua và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp là không phù hợp với Luật.

9. Dự thảo không có quy định về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm tái chế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

10. Tiền đóng góp để tái chế sản phẩm, bao bì được dùng vào các mục đích khác như trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR, nghiên cứu giải pháp tái chế… là sai mục đích.

(Còn tiếp)

Nguồn: baodautu.vn

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.746
Khách
: 1.072
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0