Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

EVFTA có hiệu lực sẽ giúp dệt may, da giày thoát cảnh đói đơn hàng vì COVID-19

05/06/2020 03:45 CH
Các doanh nghiệp kì vọng khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất.

Dệt may, da giày sẽ hưởng lợi từ EVFTA

Chiều ngày 4/6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đã có buổi làm việc cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp dệt may, da giày nhằm đánh giá cơ hội, giải pháp để khai thác, tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu quả, thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu. 

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU.

Trong đó, có thể kể đến như: mở cửa thị trường EU cho hàng hóa Việt Nam; gia tăng xuất khẩu; thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động,..

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù một số nước khác có lợi thế về ưu đãi EBA, GSP+, nhưng với Hiệp định EVFTA, chúng ta có thế mạnh rất lớn. 

Cụ thể, các nước có Hiệp định với EU rất ít, ở khu vực châu Á, EU chỉ kí hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh... nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm. 

Bên cạnh đó, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.

Đồng thời, ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giầy thể thao, giày vải và giày cao su. 

Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. 

Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số các FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.

Doanh nghiệp trông chờ EVFTA tháo nút thắt của ngành hàng

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hi vọng, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho các ngành, trong đó có dệt may. 

Tuy nhiên, theo ông Cẩm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dệt may đang ở thời điểm hết sức khó khăn, tháng 5 năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 36% so với tháng 5 năm 2019. 5 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được 12,37 tỉ USD, giảm hơn 15,5% so với cùng kì. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm...

Vì vậy, công tác chuẩn bị cần rất chu đáo, tỉ mỉ để đón đầu các lợi ích ngay khi Hiệp định được thông qua và có hiệu lực.

Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm, đối với chất lượng, tiêu chuẩn, hàng dệt may không lo vì nhiều năm nay dệt may đã chinh phục được thị trường châu Âu, tuy nhiên, khó khăn nhất đối với dệt may là vấn đề xuất xứ.

Cùng quan điểm với Phó Chủ tịch VITAS, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cũng cho rằng, nút thắt lớn nhất cùa doanh nghiệp dệt may là vấn đề qui tắc xuất xứ, vấn đề của đầu vào. 

Vì vậy, đại diện May 10 hi vọng thời gian tới sẽ có Hội thảo kết nối giữa doanh nghiệp "đầu vào" và "đầu ra" để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề qui tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may.

Đồng tình với việc các doanh nghiệp đang rất mong chờ Hiệp định EVFTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp da giày cũng đang rất trông đợi những lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại, vì hiện nay, các doanh nghiệp da giày đang "đói" các đơn hàng. 

Khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất.

Theo đại diện Hiệp hội Da giày, Túi xách, các vướng mắc liên quan nhiều đến vấn đề thực thi. Thời gian trước, các doanh nghiệp cũng được tập huấn nhưng các quy định đến nay có nhiều thay đổi. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách hy vọng các Bộ, ngành tiếp tục có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nhiệp để khi bước vào thực tế, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội một cách hiệu quả nhất.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng cho biết, Vụ luôn hỗ trợ thông tin về thị trường và kết nối các doanh nghiệp với hệ thống các thương vụ tại các thị trường nước ngoài. 

Bà Hiền cũng thông báo, tới đây, dự kiến ngày 2/7, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền cho Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp, trong đó, sẽ kết nối doanh nghiệp với hệ thống thương vụ tại thị trường EU (kể cả Anh).

Nguồn tin từ VietNamBiz

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.740
Khách
: 1.066
 
EVFTA có hiệu lực sẽ giúp dệt may, da giày thoát cảnh đói đơn hàng vì COVID-19 Rating: 5 out of 10 222968.
Core Version: 1.8.0.0