Ông Trường Văn Cẩm – Phó CT Vitas phát biểu khai mạc
Trong phần nội dung về QTXX, đại biểu đã được nghe bà Bùi Kim Thùy - Phó trưởng Phòng Xuất xứ Hàng hóa, Cục XNK, Bộ Công thương giới thiệu khái quát về TPP và các Hiệp định FTA mà VN tham gia, lộ trình cắt giảm thuế và cách thức để được hưởng ưu đãi thuế quan, các QTXX áp dụng cho ngành dệt may, vấn đề tự chứng nhận xuất xứ. Bà Thuỳ cho biết, quy tắc quan trọng trong xuất xứ hàng hoá là xác định hàng hoá nhập khẩu có đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan hay không? Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa sẽ có C/O ưu đãi và sau này là tự chứng nhận xuất xứ.
Bà Bùi Kim Thùy - Phó trưởng Phòng Xuất xứ Hàng hóa, Bộ CT trình bày tham luận
QTXX luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các hiệp định thương mại tự do, Bà Thùy nhấn mạnh. QTXX là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK Vitas phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK kiêm Trưởng VPĐD Vitas tại TP. HCM cho rằng, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra nhiều mối lo ngại cho các DN dệt may. Nếu không đáp ứng được điều kiện về xuất xứ, thì chúng ta lại phải đóng mức thuế cao, đó là nguy cơ. Có thể nói, quy tắc xuất xứ của TPP vừa là thách thức, vừa là một cơ hội đối với các đơn vị sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của VN. Nếu vượt qua được thách thức, khai thác được cơ hội, chúng ta sẽ vượt qua được thực trạng là một nước gia công đơn giản, chuyển dần thành ngành có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu – dệt – nhuộm, hoàn tất – may - phân phối và có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu.
Về nội dung PVTM, Bà Nguyễn Chi Mai – Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện PVTM nước ngoài Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đã giới thiệu về thực trạng, xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu VN, một số lưu ý đối với DN trong việc ứng phó với các vụ kiện PVTM, trong đó có một số vụ việc liên quan đến sản phẩm sợi; Các biện pháp PVTM đối với hàng hóa NK từ nước ngoài vào VN, một số vấn đề đối với DN trong việc chuẩn bị hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp PVTM, một số kinh nghiệm điều tra PVTM ở VN.
Bà Chi Mai đã đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp, đó là cần phải nâng cao hiểu biết về PVTM để bảo vệ mình, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cũng như là các nhà sản xuất trong nước, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ việc, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và các DN liên quan, chủ động giữ liên lạc với cơ quan Nhà nước để được hỗ trợ, sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư, vận động hành lang, quan hệ công chúng… Các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không nên tập trung vào một thị trường. Đồng thời, cần nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu vì các vụ kiện PVTM chủ yếu tập trung vào kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng có số lượng nhiều, giá rẻ. DN cần chủ động tham gia các vụ kiện vì đây là cách tốt nhất để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu
Hội thảo đã nhận được những phản hồi tích cực của các đại biểu tham dự. Những vấn đề được thông tin và trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, góp phần bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp dệt may. Tại hội thảo, đại diện Bộ Công thương và Vitas đã thống nhất sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo, tọa đàm, hội thảo chuyên sâu chuyên sâu về lĩnh vực này để giúp DN dệt may có thể sử dụng tối đa các công cụ phòng vệ thương mại một cách hiệu quả cũng như đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng tốt nhất những lợi ích của TPP và các hiệp định FTA mang lại.
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas