Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào năm 2015
Trong năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm ba trụ cột chính là cộng đồng an ninh – chính trị ASEAN (APSC), cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, một lần nữa họ nhấn mạnh lại cam kết này đồng thời quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo ASEAN trong năm 2007 đã đồng ý rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bằng việc thông qua kế hoạch hành động AEC và thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Một thị trường đơn nhất và một không gian sản xuất chung
Việc thực hiện hóa cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, theo đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN. AEC sẽ hỗ trợ hội nhập kinh tế của các khu vực ưu tiên, đồng thời cho phép tự do chu chuyển nguồn nhân lực có trình độ cao/tài năng trong kinh doanh. Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN bao gồm năm yếu tố cơ bản: chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề; chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư.
Hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ từng bước bị xóa bỏ. Các nhà đầu tư ASEAN sẽ được tự do đầu tư vào tất cả mọi lĩnh vực trong khu vực. Các chuyên gia và lao động có tay nghề sẽ được luân chuyển tự do trong khu vực. Những thủ tục hải quan và thương mại khi đã được tiêu chuẩn hóa hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch.
Một thị trường hàng hóa và dịch vụ thống nhất sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới sản xuất trong khu vực, nâng cao năng lực của ASEAN với vai trò là một trung tâm sản xuất toàn cầu đáp ứng yêu cầu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp ưu tiên tham gia hội nhập như: nông nghiệp, hàng không (vận chuyển bằng đường hàng không), ô tô, e-ASEAN, điện tử, ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe, cao su, dệt may và thời trang, du lịch, nghành công nghiệp gỗ và các dịch vụ logistics khác…
Một khu vực kinh tế mang tính cạnh tranh
Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng tới mục tiêu tạo dựng một khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, thịnh vượng và ổn định, theo đó khu vực này sẽ ưu tiên 6 yếu tố chủ chốt là: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thuế khóa và thương mại điện tử.
ASEAN cam kết thúc đẩy văn hóa cạnh tranh công bằng thông qua việc ban hành các chính sách và luật cạnh tranh, đảm bảo sân chơi bình đẳng trong ASEAN và hiệu quả kinh tế khu vực ngày càng cao.
Phát triển kinh tế công bằng
Mục đích của hiệp định khung AEC đối với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực này bằng cách lợi thế hóa phương pháp tiếp cận thông tin, tài chính, kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ. Những động lực này là để lấp đầy khoảng cách giữa các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đầy hội nhập kinh tế của Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam, cho phép các nước thành viên cùng hướng tới một mục tiêu chung và đảm bảo tất cả các quốc gia này đều có được lợi ích công bằng trong quá trình hội nhập kinh tế.
Hội nhập kinh tế toàn cầu
Với thị trường tương tác lẫn nhau và các ngành công nghiệp hội nhập, có thể nói ASEAN hiện đang hoạt động trong một môi trường toàn toàn cầu hóa ngày càng cao. Do đó, không chỉ dừng lại ở AEC mà ASEAN còn phải xem xét tất cả các quy định trên thế giới để hình thành chính sách cho chính mình, như chấp thuận các tiêu chuẩn và kinh nghiệm sản xuất, phân phối quốc tế tối ưu nhất. Đây sẽ là động lực chính cho phép ASEAN có thể cạnh tranh thành công với thị trường toàn cầu, đạt được mục đích sản xuất, trở thành nơi cung ứng quan trọng cho thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo thị trường ASEAN có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các quốc gia thành viên ASEAN cũng nhất trí tham gia nhiều hơn nữa vào mạng lưới cung ứng toàn cầu bằng việc nâng cao năng suất và hiệu quả công nghiệp. AEC sẽ trở thành tâm điểm của ASEAN với vai trò chủ động tham gia cùng các đối tác FTA ASEAN và đối tác kinh tế bên ngoài trong việc đổi mới kiến trúc khu vực.
Nguồn: www.trung tâmwto.vn