Đây là hoạt động diễn ra bên lề Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ in thêu dệt may tại Việt Nam - VIETNAM TEXPRINT 2016 và Triển lãm quốc tế in phun quảng cáo kỹ thuật số - VIETNAM SIGN 2016. Hơn 100 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp dệt may trong nước và quốc tế, các trường cao đẳng, đại học khu vực phía Nam, các đơn vị tham gia Triển lãm đã tham dự Hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Vitas phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Vitas chia sẻ, trong ngành dệt may, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của ngành may xuất khẩu cũng như các giải pháp công nghệ, quản trị SXKD trong doanh nghiệp chưa hiệu quả. Đặc biệt, khâu sản xuất vải, cụ thể là các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải đang là “nút thắt cổ chai” trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng hàng dệt may. Bà Mai cho rằng, Triển lãm cũng như Hội thảo về chuyên ngành in thêu dệt may là dịp để các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà sản xuất của các nước và được nghe các chuyên gia giới thiệu về những máy móc hiện đại trong ngành in, thêu trên vải theo công nghệ tiên tiến; cùng với đó là phần mềm thiết kế; nguyên phụ liệu, vải, sợi; các giải pháp công nghệ ngành dệt in, thêu, may. Tại hội thảo, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội trao đổi thông tin, kết nối giao thương, tìm kiếm bạn hàng.
Đại diện Fadin giới thiệu về những xu hướng họa tiết in, thêu thời trang nổi bật năm 2017
Tại Hội thảo, đại biểu đã được các bài tham luận: Tổng quan về ngành Dệt May Việt Nam, tình hình chuyên ngành in nhuộm, cơ hội & thách thức của ngành in phục vụ công nghiệp dệt may tại Việt Nam; Những xu hướng họa tiết in, thêu thời trang nổi bật năm 2017; Giới thiệu công nghệ in mới trên thế giới và tham luận của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam về hoạt động in hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK Vitas phát biểu tham luận và trao đổi với các đại biểu
Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần có những giải pháp công nghệ quản trị tiên tiến, các công cụ hỗ trợ để quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Một trong những giải pháp quan trọng là sự hợp tác với các nước có trình độ cao về thiết bị, công nghệ cho ngành dệt may, đặc biệt là công nghệ nhuộm, in, hoàn tất để sản xuất ra vải có chất lượng cao phục vụ cho may xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ cho dệt may Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu cũng nhấn mạnh về việc liên kết, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng nhái, hàng giả v.v... để việc kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực sự có hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi doanh nghiệp và tận dụng tốt nhất những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas