EVFTA là thế mạnh của Việt Nam
Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Để đón đầu những cơ hội mà EVFTA mang lại, chiều 4/6/2020, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số Hiệp hội và các doanh nghiệp dệt may, da giày để đưa ra những giải pháp khai thác, tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU như: mở cửa thị trường EU cho hàng hóa Việt Nam; thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu; tạo thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động,…
Trong lĩnh vực thương mại, EU hiện là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU gồm hàng dệt may, giày dép các loại, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Các ngành này sẽ được giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn.
“Các ưu đãi về thuế quan và các điều kiện mở cửa thị trường sẽ gia tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia khác”, Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Thông tin rõ hơn về những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành dệt may và da giày của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, mặc dù một số nước khác có lợi thế về ưu đãi EBA, GSP+, nhưng với Hiệp định EVFTA, chúng ta có thế mạnh rất lớn.
“Các nước có Hiệp định với EU rất ít, ở khu vực Châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Phân tích những cơ hội của ngành hàng dệt may Việt Nam khi EVFTA được thực thi, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho rằng, với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh... nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.
Bên cạnh đó, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.
Tương tự, đối với ngành da giày, ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.
Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giầy thể thao, giầy vải và giầy cao su. Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh, EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. EU cũng là đối tác thương mại lớn với nhiều nước ASEAN. Với vị thế là quốc gia thứ 2 tại ASEAN có FTA với EU, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế này để thâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU.
“Tiếp cận thị trường EU cũng là bước đệm để hàng hóa của Việt Nam tiếp cận các thị trường phát triển khác”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải khẳng định.
Giải bài toán xuất xứ, tiếp sức cho các ngành hàng
Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho các ngành, trong đó có dệt may.
Ông Trương Văn Cẩm phân tích, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 36% so với cùng kỳ 2019. 5 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được 12,37 tỷ USD, giảm hơn 15,5% so với cùng kỳ.
“Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm... vì vậy, công tác chuẩn bị cần rất chu đáo, tỉ mỉ để đón đầu các lợi ích ngay khi Hiệp định được thông qua và có hiệu lực”, ông Cẩm nêu rõ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VITAS cũng cho biết, đối với chất lượng, tiêu chuẩn, hàng dệt may không lo vì nhiều năm nay dệt may đã chinh phục được thị trường châu Âu, tuy nhiên, khó khăn nhất đối với dệt may là vấn đề xuất xứ.
Cùng chung lo ngại về vấn đề xuất xứ hàng hóa, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 thừa nhận, nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp dệt may là vấn đề quy tắc xuất xứ, vấn đề của đầu vào.
Vì vậy, đại diện May 10 hy vọng, thời gian tới sẽ có Hội thảo kết nối giữa doanh nghiệp "đầu vào" và "đầu ra" để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng cho rằng, các doanh nghiệp da giày đang rất trông đợi vào những lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại, vì hiện nay, các doanh nghiệp da giày đang "đói" các đơn hàng.
“Khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất”, Phó Chủ tịch LEFASO chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch LEFASO, doanh nghiệp da dày đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề thực thi và quy tắc xuất xứ.
Thời gian trước, các doanh nghiệp đã được tập huấn nhưng các quy định đến nay có nhiều thay đổi, do vậy, đại diện LEFASO đề xuất, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, hỏi đáp, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ EVFTA một cách hiệu quả nhất.
Lắng nghe và chia sẻ với những kiến nghị từ các Hiệp hội, doanh nghiệp, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khẳng định, Vụ luôn hỗ trợ thông tin về thị trường và kết nối các doanh nghiệp với hệ thống các thương vụ tại các thị trường nước ngoài.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thảo Hiền cũng thông báo, tới đây, dự kiến trong đầu tháng 7/2020, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền cho Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp, trong đó, sẽ kết nối doanh nghiệp với hệ thống thương vụ tại thị trường EU (kể cả Anh).
Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các Hiệp hội và doanh nghiệp.
Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tổng hợp các ý kiến, báo cáo Lãnh đạo Bộ và Bộ cũng sẽ tiếp tục có những hướng dẫn, hỗ trợ Hiệp hội và doanh nghiệp để làm sao khai thác, tận dụng Hiệp định EVFTA có hiệu quả nhất, thúc đẩy hàng dệt may, da giày xuất khẩu sang châu Âu thuận lợi nhất.
Tạp chí Công thương