Nhận xét Phản biện của Tiến sỹ Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam về Báo cáo: DỆT MAY VIỆT NAM - TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 VÀ XA HƠN NỮA
Về sự cần thiết của báo cáo:
Ngành dệt may là ngành sử dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước và là một trong các ngành có KNXK hàng đầu của Việt Nam. Năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam chủ yếu dành cho xuất khẩu (gần 90%), năng lực phục vụ thị trường nội địa chỉ chiếm trên 10%.
Vì vậy, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn thế giới đã tác động rất lớn đến ngành dệt may cũng như gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu và giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Việc tiến hành đánh giá tác động của Covid-19, những cơ hội, thách thức của các FTA và cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành dệt may để đề xuất các giải pháp, chính sách phục hồi, phát triển sau dịch trong tình hình mới theo tôi là cần thiết.
1. Về bố cục: Báo cáo gồm 3 mục:
Mục 1: Thực trạng ngành dệt may Việt Nam;
Mục 2: Covid- 19 và tác động tới ngành dệt may Việt Nam;
Mục 3: Nhận diện triển vọng và khuyến nghị chính sách.
Theo tôi bố cục như vậy là hợp lý, chặt chẽ.
2. Về phương pháp nghiên cứu: Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá từ các nguồn thông tin tin cậy trong và ngoài nước phù hợp với yêu cầu của báo cáo.
3. Về nội dung:
3.1. Về thực trạng ngành dệt may Việt Nam
- Nhìn chung báo cáo trình bày được toàn cảnh bức tranh của ngành dệt may Việt Nam từ giai đoạn 2011 - 2018.
- Tuy nhiên, việc phân chia theo tiểu ngành (ngành dệt và ngành may) trong báo cáo đã không bao gồm hết các lĩnh vực của ngành dệt may Việt Nam và theo đó số liệu thống kê về lao động, KNXK... không đầy đủ. Ví dụ về KNXK mới chỉ có KNXK của 2 lĩnh vực dệt vải và may mặc, thiếu lĩnh vực sợi, vải công nghiệp, phụ liệu may. Các lĩnh vực này năm 2018 sợi đạt 4,025 tỷ USD, Vải công nghiệp đạt 530 triệu USD, Phụ liệu may đạt 1,22 tỷ USD trong tổng KNXK toàn ngành là 36,26 tỷ USD. Như vậy, trong báo cáo chỉ sử dụng số liệu KNXK năm 2018 là 30,49 tỷ USD (khâu dệt vải 1,76 tỷ USD và may mặc 28,73 tỷ USD) thay vì KNXK toàn ngành là 36,26 tỷ USD. Ngoài ra có DN có cả sợi, dệt, may sẽ tính như thế nào?
- Bảng 2 về lao động bình quân theo quy mô đối với DN vừa không dựa theo tiêu chí quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP là đối với các ngành công nghiệp, xây dựng không quá 200 lao động và các ngành thương mại, dịch vụ không quá 100 lao động (trang 11).
- Về mức độ tập trung theo ngành đối với ngành may mặc năm 2018 cần xem lại, khi so sánh DN FDI top 100 nhưng lại so với DN trong nước top 10 về lao động, doanh thu, KNXK (trang 16, 18).
- Về phân loại công nghệ đối với ngành dệt cần xem lại nhận định “doanh nghiệp dệt trong nước lại tương đối ưa chuộng công nghệ của Việt Nam sản xuất (tỷ trọng gần 20%) trang 23. Số liệu về quy mô xuất khẩu của ngành dệt năm 2018 đạt gần 20 tỷ USD là không chính xác trong khi đó cách đó vài dòng lại ghi là 7 tỷ USD (trang 24).
- Nhận định tại trang 33 về lĩnh vực CMT là thể hiện cả đầu vào và đầu ra của chuỗi cung ứng cần xem lại (trang 33).
3.2. Về Covid-19 và tác động tới ngành dệt may
- Mục này nhóm tác giả đã nhận diện tương đối đầy đủ tình hình diễn biến dịch bệnh và tác động đến ngành dệt may Việt Nam.
- Tuy nhiên, một số nhận định cần xem lại:
+ Bảng 6 có nhận định trong tháng 4/2020 “Thiếu việc làm và ngừng toàn bộ xuất khẩu” và tháng 6/2020 “nửa đầu năm 2020 không có hợp đồng sản xuất” (trang 42)
+ Nhận định ngành may mặc có số lao động chỉ còn bằng 20% và DN dệt chỉ còn 24,5% lao động so với cùng kỳ năm trước; doanh thu 4 tháng DN dệt giảm 61,6% và DM may giảm 78% so với cùng kỳ (trang 48)
+ Bảng 8: tổng hợp các chính sách hỗ trợ DN dệt may ứng phó dịch Covid-19 đa phần là các chính sách được đề xuất. Một số chính sách đã được ban hành để triển khai thực hiện phần lớn đều vướng về điều kiện thụ hưởng (trang 52)
+ Nhận định “hầu hết các giải pháp trong Chỉ thị 11/CT-TTg đều đựơc DN đánh giá là tương đối phù hợp và có mức độ hài lòng với số điểm khá cao là không đúng thực tế. Rất nhiều Hiệp hội ngành hàng, trong đó có dệt may đã có văn bản kiến nghị các chính sách hỗ trợ này (trang 53).
+ Về hiệu qúả các chính sách hỗ trợ: điểm a) đưa ra mức độ hài lòng và tính hợp lý của chính sách rất cao, nhưng lại mâu thuẫn với điểm b) là quá ít DN dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ của Chỉ thị 11/CT-TTg và các điểm c) khó tiếp cận các giải pháp hỗ trợ, điểm d), đ), e), f).
- Nhận diện triển vọng và khuyến nghị chính sách: Mục này đã nhận diện được nhiều vấn đề của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần xem lại:
+ Phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu (trang 59)
+ Điểm a) những khó khăn và cơ hội liên quan đến Covid-19 chủ yếu nói về khó khăn, cần phải nhận diện cả các cơ hội như Covid-19 là cơ hội thúc đẩy quá trình phân tán rủi ro, tránh phụ thuộc nguồn cung vào một vài thị trường chính như Trung Quốc, quan tâm thị trường nội địa, gắn kết các DN trong nước để hình thành chuỗi liên kết, chuyển dịch đơn hàng và đầu tư do Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19...
+ Điểm b) thuận lợi và khó khăn liên quan đến các FTA; Câu “Hiện nay với quy đinh của CPTPP các mặt hàng làm từ dệt may phải đảm bảo nguyên tắc từ vải trở đi (nghĩa là nguồn nguyên liệu vải để may sản phẩm phải xuất xứ từ 11 nước thành viên CPTPP” là sai. Đối với CPTPP phải có xuất xứ từ sợi chứ không phải từ vải (trang 62).
+ Nói về mức lương tối thiểu vùng từ 2008 đến nay tăng lên 12 lần là không đúng, số liệu này của VITAS chỉ tăng 6,4 lần đối với DN trong nước và 4,1 lần đối với DN FDI.
3.3. Về khuyến nghị chính sách
- Về ứng phó dịch Covid-19 khuyến nghị về sản xuất, xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế chỉ nên coi là giải pháp tình thế, phù hợp với một số DN. Việc đề nghị Chính phủ ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn EVFTA nên để ở điểm b) liên quan đến các FTA.
- Các chính sách khuyến nghị để tận dụng hiệu quả các FTA đưa ra khá chung chung chưa cụ thể. Ví dụ khi cần giải quyết nguồn nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu xuất xứ DN phải làm gì (liên kết đầu tư, thu hút FDI...), Nhà nước làm gì (phê duyết chiến lược phát triển, trong đó quy hoạch các KCN lớn có xử lý nước thải tập trung, chính sách hỗ trợ...), các địa phương vào cuộc thế nào (cấp phép các dây chuyền dệt, nhuộm, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội...). Ngoài ra, nói ”Dệt may Việt Nam có thể xuất hiện nhiều hơn ở thị trường khu vực thay vì hàng chợ” là không đúng.
4. Nhận xét chung
- Về tổng thể, báo cáo đã đưa ra bức tranh thực trạng của ngành dệt may Việt Nam, diễn biến và tác động của dịch Covid-19 đến ngành, các cơ hội và thách thức do các FTA mang lại và khuyến nghị các giải pháp khắc phục Covid-19 và tận dụng các FTA trong thòi gian tới.
- Tuy nhiên, báo cáo cũng còn những hạn chế như đã được chỉ ra ở các phần trên.
Người nhận xét
TS. Trương Văn Cẩm
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam