Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Bài tham luận của ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng

22/12/2020 10:50 SA
"Mỗi doanh nghiệp chúng ta chỉ là một ngôi sao đơn lẻ, nhỏ nhoi, nhưng khi hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp hợp tụ lại, sẽ đủ làm sáng lấp lóa cả bầu trời" đó là sự tin tưởng của ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng đặt trong bài tham luận nhân Đại hội nhiệm kỳ VI - Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa qua. Hãy cùng lắng nghe những tâm sự từ một vị lãnh đạo Doanh nghiệp - một con người tâm huyết với ngành Dệt may suốt bao năm qua để thấu hiểu những khó khăn mà Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang trải qua trong thời điểm dịch bệnh bao trùm toàn cầu...
Chúng tôi xin trích lại toàn bộ bài tham luận của ông.
Nếu không xảy ra trận cuồng phong Covid-19 tàn phá khủng kiếp trên toàn cầu, thì lúc này, hẳn rằng nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi đang có mặt trong Hội trường và nhiều đồng nghiệp khác nữa trong ngành Dệt- May đã rất hân hoan tổng kết những thành quả đạt được trong 5 năm qua, 5 năm của một nhiệm kì Đại hội Hiệp hội Dệt- May Việt Nam.














Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng

      Là một thành viên của Hiệp hội và cũng là một thành tố không tách rời của ngành Công nghiệp Dệt- May Việt nam, May Sông Hồng của chúng tôi tưởng như đã nắm trọn trong tay về một kế hoạch khả dĩ mà ở đó, đã hội tụ đầy đủ các yếu tố chắc chắn với khoảng 5000 tỷ đồng doanh thu và khoảng 600 tỷ đồng lợi nhuận sẽ thu được trong năm 2020 này! Nhưng dịch bệnh đã cướp đi của chúng tôi, tuy chưa phải là tất cả, nhưng mất rất nhiều và rất đau! Có lẽ chúng tôi là Doanh nghiệp chịu sự tổn thất và đau nhất trong số các bạn bè, đồng nghiệp trong nghành Dệt- May Việt Nam. Khi báo chí trong nước và nước ngoài loan tin Tập đoàn thời trang nổi tiếng Hoa Kì- Nơi mà chúng tôi đã hợp tác với họ trên 16 năm nay với khoảng 30 triệu Mĩ kim xuất khẩu mỗi năm, nộp đơn xin phá sản, khi mà chúng tôi còn tới khoảng 220 tỷ đồng ở nước ngoài chưa kịp thu về! Rồi các khoản nợ chưa trả của các đối tác khác nữa. Rồi tình hình hàng hóa cực kì chơi vơi mà phía trước chỉ là một màn trời mờ mịt, u ám! Thời khắc ấy, thật sự tôi như bị rơi vào tình trạng hoảng loạn vậy. Nói có thể mọi người không tin, nhưng có những khoảnh khắc, chân tay, đầu óc dường như đều rã rời, không thể tự chủ được nữa mà cứ run lẩy bẩy. Lẽ nào thành quả dựng xây Nhà máy hơn 30 năm qua bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức của hàng nghìn, hàng vạn con người, bỗng chốc lát bị con Virus vô hình làm sụp đổ và tan biến hoàn toàn vào hư vô cũng giống như đối tác của chúng tôi ở nước ngoài dù đã có hàng trăm năm tên tuổi. Thật sự rất khủng khiếp!

      Song, khi bình tâm lại, hàng loạt mệnh lệnh khẩn cấp được phát đi trong toàn Công ty: Phải tập trung cứu Công nhân trước bởi còn họ thì Nhà máy còn, mất họ thì sẽ mất tất cả! Tất cả các Quỹ dự phòng tài chính và vốn chủ của Công ty trên 1300 tỷ đồng được tích tụ bao năm qua, đều được kích hoạt và sẵn sàng ở mức tối đa để ứng phó với các tình huống xấu nhất. Cơ cấu các khách hàng và đơn hàng FOB và CM, lập tức phải điều chỉnh lại mà không cho phép bất cứ sự chậm trễ về sự lựa chọn nào nữa, để miễn sao Công nhân có việc để làm và cố gắng hết sức để Công ty không bị thua lỗ hay tổn thất tiếp. BLĐ Công ty khẩn cấp họp để đánh giá lại toàn bộ tình hình thị trường và khách hàng, hình thành ngay Ban kiểm soát công nợ để kiểm tra lại tất cả các điều khoản trong các HĐKT và liên tục hối thúc các đối tác trả tiền. May thay, tất cả các khu vực của chúng tôi, chưa nơi nào phải ngừng việc đến đơn vị tuần mà chỉ lác đác ít ngày. Tuy nhiên, một số Phòng / Ban chức năng chuyên phục vụ làm hàng FOB phải thay nhau nghỉ vì các đơn hàng bị thu hẹp lại. Toàn bộ Cán bộ, Nhân viên khối phục vụ từ cấp Công ty đến các khu vực, các xưởng sản xuất đều tự nguyện giảm bớt tiền lương hàng tháng từ 7-10-15-20-25%, thậm chí có người giảm tới 30% để chia sẻ khó khăn với Công ty. Sự giảm bớt này sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Và cũng may thay, tất cả các Quỹ tài chính dự phòng của chúng tôi, hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Song doanh thu, lợi nhuận đều bị giảm sút vì phải trích tới trên 160 tỷ đồng để đưa vào quỹ dự phòng rủi ro. Dự kiến, doanh thu năm nay chỉ còn gần 4000 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; lợi nhuận sẽ chỉ còn khoảng 220 tỷ, giảm trên 60% so với năm trước. Tuy khó khăn còn rất nhiều, nhưng Công ty vẫn sẽ để Công nhân nhận được đủ hai tháng lương 13, 14 và quà thưởng vào dịp hai cái Tết tới đây, bên cạnh một số khoản khác tạm thời bị cắt bỏ.

Thưa các vị Đại biểu! Đến phút này thì nhịp sống và làm việc của Công ty đã trở lại bình thường bởi dịch bệnh đã được Việt Nam kiềm tỏa khá kiên quyết và hiệu quả. Công ty lại tiếp tục tuyển dụng lao động và xây dựng thêm cơ sở sản xuất mới. Có lẽ tất cả các Doanh nghiệp chúng ta cần phải nói lời cám ơn rất nhiều tới Chính phủ Việt Nam và các Bộ/ Ngành đã chỉ đạo kịp thời và làm việc quên mình để giảm thiểu thiệt hại cho người dân và cho các ngành kinh tế của đất nước. Điều, mà cách đây ít ngày, một khách hàng nước ngoài nói với chúng tôi rằng: Do Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nên các doanh nghiệp Việt đã sớm ổn định lại sản xuất, khi mà các nước khác chưa thể, nên đây là lý do rất quan trọng để các đơn hàng may mặc dồn đổ vào Việt Nam. Nhân đây, tôi cũng muốn nói lời cám ơn rất nhiều tới các bạn đồng nghiệp trong Hiệp hội Dệt – May từ Nam tới Bắc đã gửi điện hỏi thăm cùng những lời động viên, chia sẻ rất ấm áp, chân tình. Dường như với người Việt Nam chúng ta: Càng gian nan nan, khổ hạnh bao nhiêu, thì lòng người lại càng trong sáng, cốt cách nhân sinh lại càng cao đẹp và ý chí vượt lên lại càng mãnh liệt hơn bấy nhiêu. Lần nữa, tôi đã nhận thấy điều này từ các bạn đồng nghiệp rất yêu quí của tôi trong cơn hoạn nạn vừa qua.












Ông Bùi Đức Thịnh phát biểu trong sự kiện 

Thưa các vị Đại biểu và các bạn đồng nghiệp! Sau cơn đại hồng thủy bởi dịch bệnh cùng những tổn thất, mất mát to lớn lần này, có lẽ từ nay, cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ không thể còn yên ả như xưa được nữa. Sự hối hả của các cuộc đua năng suất bởi những đơn hàng ngắn và cực ngắn do yêu cầu cung ứng siêu nhanh của thị trường ngày càng khốc liệt. Bộ máy vận hành doanh nghiệp đòi hỏi phải rất thông minh, lanh lợi, phải biết thiết lập, khai thác và sử dụng thành thục các công cụ quản trị doanh nghiệp tiên tiến như các phần mềm ERP, Fast React, GSD, IntelloCut, IE...bởi khi vận hành một doanh nghiệp có tới hàng vạn nhân lực với nhiều nghìn tỷ đồng tài sản và nhiều nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm cùng với các loại hình hàng hóa ngày càng đa dạng, phức tạp... Nếu doanh nghiệp không có các công cụ quản lý đó, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn, tổn thất rất khó có thể tránh được.


      Hiện nay các Doanh nghiệp Dệt – May đã gắn kết với hệ thống các trường đạo tạo, dạy nghề khá chặt chẽ rồi. Về đào tạo kiến thức đại chúng thì có thể tạm ổn. Nhưng để đào tạo đội ngũ Công nhân kĩ thuật lành nghề thì hầu như các trường chưa có khoa này và cũng chỉ rất ít doanh nghiệp đưa thành chương trình đào tạo riêng của mình. Đề nghị các trường suy nghĩ thêm về mong muốn của chúng tôi, bởi điều này vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp.

      Về phương diện cấp Chính phủ và Bộ Công thương: Mong ước lớn nhất của chúng tôi là Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo quyết liệt để hình thành cho bằng được các khu công nghiệp sản xuất phụ trợ và nguyên liệu cho ngành may. Chỉ cần như thế thôi thì Chính phủ và Bộ Công thương đã vĩ đại lắm rồi, bởi nếu không làm được điều đó thì các Hiệp định Thương mại CPTPP hay EVFTA...dù đã mất bao năm trời đấu trí, đấu lý từ cấp Bộ/Ngành đến cấp Chính phủ trong các cuộc đàm phán căng thẳng hay các điều khoản được viết cực kì chặt chẽ, khúc triết thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ biết đứng nhìn cùng sự than thở, nuối tiếc mà thôi.

      Điều cuối cùng là đề nghị với Bộ Tài chính và ngành Hải quan: Một số qui định mới đây của hai ngành này đối với các doanh nghiệp Việt bất công và nghiệt ngã quá. Đã từng có thời gian, các doanh nghiệp Việt vô cùng khốn đốn về chuyện không được hưởng các qui định về thuế “ xuất khẩu tại chỗ” bình đẳng như các doanh nghiệp FDI khi cả hai cùng sản xuất, cùng bán một loại hàng hóa như vải, bông, phụ liệu... cho các doanh nghiệp trong nước để làm hàng xuất khẩu theo chỉ định của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Nỗi thống khổ thấu trời của các doanh nghiệp Việt cuối cùng rồi cũng vọng được đến tai người lãnh đạo cao nhất của Bộ tài chính lúc đó. Khi qui định được bãi bỏ, các doanh nghiệp Việt đã vui mừng khôn xiết. Nhưng không hiểu sao bây giờ Bộ Tài chính lại đang dự định hủy bỏ qui định đó, bắt các doanh nghiệp Việt lại phải chịu sự đối xử bất nhẫn như ngày xưa. Doanh nghiệp Việt chúng tôi không hạ mình xin gì Bộ Tài chính mà chỉ đòi được quyền đối xử bình đẳng như với các doanh nghiệp FDI mà thôi. Không thể có đạo lý chỉ những người xa lạ từ nơi khác đến đây thì được quyền sống, được quyền làm giầu, còn các doanh nghiệp Việt thì không thể có được quyền đó mà phải tự lụi tàn, tự chết dần mòn trên chính đất nước của mình! Khi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần mới sử dụng 2-3% trong tổng số thuế ưu đãi đó thôi, cũng đã đủ loại bỏ sự sống của các doanh nghiệp Việt chúng tôi rồi. Hi vọng đây chỉ là sự nhầm lẫn nào đó từ các bộ phận soạn thảo văn bản ở Bộ Tài chính chứ hẳn rằng, nào có ai nỡ nhẫn tâm đề ra các qui định để hủy hoại sự sống của chính đồng bào của mình. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước muốn mở rộng qui mô hàng hóa để giúp các doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các Vender lớn nước ngoài. Nhưng thay vì sự hoan nghênh thì Bộ Tài chính lại qui định các Doanh nghiệp mang hàng đi gia công cho các doanh nghiệp khác phải chịu thuế VAT và không được hoàn thuế xuất khẩu nên mọi sự hăm hở, mọi suy nghĩ mang tính cộng đồng tốt đẹp của các doanh nghiệp lớn đành phải gạt bỏ. Đề nghị Bộ Tài chính và ngành Hải quan sớm bỏ qui định này, âu đây cũng là hành động thiết thực của Bộ Tài chính và ngành Hải quan mở rộng các cánh cửa hành chính lạnh lùng của mình để cho các doanh nghiệp Việt Nam được tồn tại, được lớn mạnh lên, được có cơ hội bước ra thế giới bên ngoài chứ xin đừng bắt các doanh nghiệp phải chịu nhiều điều khốn khổ thêm nữa.

      Đôi điều muốn nói với các bạn đồng nghiệp khác trong ngành Dệt- May: Có lẽ vì lý do nào đó, các bạn chưa biết về tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội Dệt- May Việt Nam. Rất mong muốn các bạn cùng tham gia vào Hiệp hội- Tổ chức xã hội nghề nghiệp rất có ý nghĩa và rất thiết thực này. Ban Thường trực và các chuyên viên chuyên trách của Hiệp hội đã làm việc rất tận tụy, hiểu biết rất sâu về pháp luật, về tình hình thực tế các doanh nghiệp, đã góp nhiều tiếng nói quan trọng để bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp chúng ta và tham gia tích cực cùng Chính phủ, các Bộ/ Ngành trong việc định hình các chính sách để phát triển nền kinh tế đất nước. Mỗi doanh nghiệp chúng ta chỉ là một ngôi sao đơn lẻ, nhỏ nhoi, nhưng khi hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp hợp tụ lại, sẽ đủ làm sáng lấp lóa cả bầu trời!

      Hi vọng nhiệm kì 5 năm tới của Hiệp hội Dệt – May Việt nam và các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ có nhiều đổi thay to lớn và phát triển vượt bậc. Bằng cả ý chí và danh dự, nhất định chúng ta sẽ làm được điều đó. Tổ quốc ắt hẳn sẽ rất tự hào về các chiến binh quả cảm trong ngành Dệt- May chúng ta, khi đã vượt qua cơn sóng gió kinh hoàng vừa rồi thì không gì có thể cản được bước chân và ý chí của chúng ta thêm nữa...

      Chúc sức khỏe các vị Đại biểu và xin cám ơn tất cả!

Nguồn: Bài tham luận của ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng nhân sự kiện Đại hội VI - Hiệp hội Dệt May Việt Nam

 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.816
Khách
: 1.143
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Bài tham luận của ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng Rating: 5 out of 10 103533.
Core Version: 1.8.0.0