Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Lập kho ngoại quan - Cơ hội cho bông Mỹ tại thị trường Việt Nam

14/04/2016 05:13 CH

Ngày 14/4/2016 tại Văn phòng TP. HCM, Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) do Ông William Bettendorf  làm trưởng đoàn.

 

Ông Vũ Đức Giang chào đón các đại diện của CCI

Tại buổi gặp gỡ, Ông Giang đã hoan nghênh và thể hiện sự vui mừng khi được đón tiếp và trao đổi với CCI về những vấn đề liên quan đến sự phát triển của dệt may Việt Nam và cơ hội cho ngành bông Mỹ tăng trưởng tại thị trường Việt Nam. Ông Giang đánh giá Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam về bông sợi.

Trong quá trình làm việc, Ông William Bettendorf cho biết đây là lần đầu tiên đến Việt Nam với tư cách đại diện cho CCI. Ông William bày tỏ sự cảm ơn chân thành vì sự đón tiếp nồng nhiệt của Vitas và hy vọng về sự hợp tác lâu dài của hai bên, đặc biệt trong thời gian tới khi Hiệp định TPP được thực thi.

Ông William cũng đã trao đổi ba vấn đề liên quan đến sự hợp tác giữa hai hiệp hội. Thứ nhất là ý tưởng thành lập kho ngoại quan của bông Mỹ tại Việt Nam; thứ hai là làm thế nào để tăng sản lượng bông Mỹ tại thị trường Việt Nam; cuối cùng là tác động của TPP đến sự phát triển của bông Mỹ tại Việt Nam.

Ông Giang đã thống nhất với Ông William về quan điểm về thành lập kho ngoại quan bông Mỹ tại Việt Nam và đặc biệt đề nghị CCI thúc đẩy nhanh quá trình này. Ông Giang cho rằng, việc thành lập kho ngoại quan sẽ giúp giải quyết ba vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi đặt mua bông Mỹ. Thứ nhất chính là giải quyết vấn đề tài chính eo hẹp cho doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng tài chính cho những hợp đồng mua bông lớn và lâu dài. Thứ hai sẽ rút ngắn thời gian giao hàng, thay vì kéo dài 3 tháng như hiện nay, có thể sẽ giảm xuống còn 2-3 ngày, thậm chí là 1 ngày. Điều này vô cùng có lợi cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Về lâu dài đây sẽ là lợi thế to lớn cho sự phát triền của bông Mỹ tại Việt Nam. Thứ ba, nếu kho ngoại quan được thành lập sẽ tránh được vấn đề những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hủy đơn hàng vì sự lên xuống thất thường của giá cả. Ông Giang cho biết, hiện nay Việt Nam đang có sự phát triển lớn về ngành sợi do có sự đầu tư rộng rãi từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Châu Âu… Ước tính số lượng cọc sợi đang ở mức 7-8 triệu cọc. Hơn nữa, các doanh nghiệp sợi tại Việt Nam đánh giá cao về chất lượng của bông Mỹ. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng có nhập bông từ một số thị trường như Úc, Ấn Độ, Trung Quốc... nhưng so sánh cả về chất lượng và giá cả thì vẫn chưa thực sự thu hút. Đây chính là cơ hội rất lớn cho sự phát triển lâu dài của bông Mỹ tại Việt Nam.

Về vấn đề tăng sản lượng bông Mỹ tại thị trường Việt Nam, Ông Giang cho biết: hiện nay, dù một số nhãn hàng lớn như Nike đã nghiên cứu sản xuất ra những loại sợi nhân tạo với nhiều chức năng như: nhẹ, thấm hút tốt, chống nhăn… tạo cảm giác thoải mái cho người mặc nhưng cũng chỉ với số lượng ít. Doanh nghiệp việt Nam vẫn rất ưu ái với sợi bông. Các sản phẩm từ sợi bông cao cấp vẫn được ưa chuộng nhất. Đây chính là lợi thế cho bông Mỹ. Thêm vào đó, để thúc đẩy sự tăng trưởng của bông Mỹ cần có một kênh thông tin hiệu quả đến các nhà sản xuất, các nhà thiết kế, buyers… và cả người tiêu dùng về những lợi ích của sợi bông tự nhiên, từ đó thay đổi các nhìn trong việc sử dụng hàng dệt may từ sợi bông. Đặc biệt, nếu như kho ngoại quan được thành lập, bông Mỹ sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh về giá cả sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của bông Mỹ.

Đánh giá về tác động của TPP, Ông Giang nhận định: không có TPP mức tăng trưởng toàn ngành của dệt may Việt Nam chỉ khoảng 14%. Tuy nhiên TPP sẽ khiến cho mức tăng này đạt nhanh đến con số 28-30%, nhất là khi tăng trưởng của Việt Nam vào Mỹ hiện đang ở mức lớn khoảng 56%. Điều này sẽ tạo ra cơ hợi cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bông.

Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi thêm một số vấn đề về tiền lương, tiêu chuẩn  môi trường, sản xuất bền vững … đối với sự phát triển của ngành.

Kết thúc buổi làm việc, ông Giang hy vọng bông Mỹ sẽ sớm trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, kích thích cho sự phát triển ngành bông cũng như tạo nguồn cung ứng đầy đủ, chất lượng cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất.

Ông William đã bày tỏ sự cảm kích đối với Ông Giang - Chủ tịch Vitas vì đã dành thời gian để trao đổi những thông tin quý báu về ngành dệt may Việt Nam cũng như cơ hội và một số giải pháp cho sự phát triển bông Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Được biết, vào tháng 7 tới, Ông William sẽ dẫn đoàn doanh nghiệp bông Mỹ sang Việt Nam để khảo sát thị trường và đẩy nhanh sự thành lập kho ngoại quan tại đây.


Ông Vũ Đức Giang chụp ảnh lưu niệm với ông William
Bettendorf

Bài và ảnh: Quỳnh Anh
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.765
Khách
: 1.091
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0